Tiêu chuẩn và quy chuẩn khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nhật Bản

Thực phẩm Bếp Việt
Th 7 17/09/2022

Thông tin về các quy định, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đang áp dụng khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nhật Bản

Về cơ bản hàng hóa nước ngoài được tự do nhập khẩu vào Nhật Bản. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản cũng quy định một số danh mục hàng hóa bị cấm nhập khẩu, hạn chế nhập khẩu và danh mục hàng hóa cần được cấp phép hoặc kiểm tra khi nhập khẩu.

Giấy phép nhập khẩu được yêu cầu đối với một số hàng hoá nhất định, bao gồm: các vật liệu nguy hiểm, động vật, thực vật, các chất dễ hư hỏng; và trong một số trường hợp cụ thể khác, là các mặt hàng có giá trị cao. Quy định cấp phép chỉ áp dụng đối với các mặt hàng bị kiểm soát hạn ngạch nhập khẩu, bao gồm một số sản phẩm cá và các chất bị kiểm soát được liệt kê trong Nghị định thư Montreal.

Luật Nhật Bản yêu cầu chứng nhận và ghi nhãn sản phẩm, cụ thể là: nhãn sản phẩm cho hàng dệt, thiết bị và dụng cụ điện, sản phẩm nhựa và hàng gia dụng và hàng tiêu dùng. Đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu không bắt buộc phải ghi nhãn quốc gia, trừ một số loại đồ uống và thực phẩm đòi hỏi phải dán nhãn và đánh dấu thông tin thành phần chi tiết. Các nhãn giả; hoặc, gây hiểu nhầm hiển thị tên (hoặc cờ) quốc gia khác với nước xuất xứ; hoặc, tên của nhà sản xuất (hoặc tên nhà thiết kế bên ngoài nước xuất xứ) là không được phép nhập khẩu vào Nhật bản. Các luật chính quy định các tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm tại Nhật Bản, bao gồm: (1) Luật về Thiết bị điện và Luật An toàn Vật liệu; (2) Luật An toàn Sản phẩm Tiêu dùng; (3) Luật Tiện ích khi đốt Công nghiệp; (4) Luật Vệ sinh Thực phẩm; (5) Luật Dược phẩm; (6) Luật Giao thông đường bộ; (7) Luật Tiêu chuẩn Xây dựng.

Tiêu chuẩn các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường sở tại bắt buộc là phải qua kiểm tra sản phẩm và không thể bán ở Nhật mà không có chứng nhận tuân thủ các tiêu chuẩn quy định, được chia thành hai loại hình: các quy định kỹ thuật (hay còn gọi là các tiêu chuẩn bắt buộc)và các tiêu chuẩn tự nguyện (không bắt buộc). Việc tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn được quản lý bởi hệ thống chứng nhận trong đó kết quả kiểm tra xác định có chấp thuận hay không (chứng nhận / chất lượng). Hai cơ quản lý đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động thiết lập tiêu chuẩn ở Nhật Bản, đó là: (1) Ủy ban Tiêu chuẩn Công nghiệp Nhật Bản (JIS). (2) Ủy ban Tiêu chuẩn Nông nghiệp Nhật bản (JAS). Các nhà xuất khẩu có ý định thâm nhập vào thị trường Nhật Bản cần có được các dấu chứng nhận JIS, JAS hoặc Ecomark cũng như chế độ xác nhận trước về thực phẩm nhập khẩu các loại khác cho sản phẩm của mình để đảm bảo rằng các sản phẩm này đáp ứng được tiêu chuẩn tối thiểu tại thị trường Nhật Bản, từ đó dễ dàng cho việc tiêu thụ hàng hóa. Hơn nữa, thực tế cho thấy nếu chất lượng của một sản phẩm đã được thị trường Nhật Bản chấp thuận thì sản phẩm đó hoàn toàn có thể cạnh tranh tốt được ở các thị trường khác.

Trong khi theo đuổi chính sách mậu dịch tự do, Nhật Bản vẫn có cơ chế bảo hộ ngành sản xuất trong nước một cách hiệu quả. Thay cho những biện pháp bảo hộ mang tính lộ liễu như áp đặt lệnh cấm, hạn chế số lượng hoặc áp đặt thuế suất nhập khẩu cao, Nhật Bản đã sử dụng các biện pháp bảo hộ được lồng vào những lý do chính đáng như bảo vệ những ngành sản xuất trong nước trước những hành động thương mại không lành mạnh, bảo vệ sức khỏe con người, kiểm soát chất lượng, môi trường, quy định về an toàn thực phẩm, điều kiện lao động, kiểm soát dịch bệnh, chống bán phá giá, chống trợ cấp, ghi nhãn hàng hóa, v.v…

Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản