Xuất khẩu thực phẩm sang thị trường Nhật Bản: Lách qua khe cửa hẹp – Thực phẩm Bếp Việt

Xuất khẩu thực phẩm sang thị trường Nhật Bản: Lách qua khe cửa hẹp

Thực phẩm Bếp Việt
Th 7 17/09/2022

Thị trường Nhật Bản khó tính nhất thế giới với các quy định khắt khe, phức tạp, gia tăng thị phần tại thị trường này doanh nghiệp thực phẩm trong nước xác định đối mặt nhiều thách thức.

Nhiều rào cản

Theo ông Tạ Đức Minh- Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, Nhật Bản là một trong những quốc gia có tiêu chuẩn chất lượng với hàng nhập khẩu khắt khe nhất thế giới. Đối với hàng nông sản, thực phẩm phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật và đòi hỏi phải được sản xuất, nuôi trồng theo các tiêu chuẩn GAP, HACCP hay JAS – Tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật.

Hệ thống phân phối hàng hóa tại Nhật Bản nổi tiếng phức tạp với nhiều tầng cấp khác nhau và các chức năng riêng biệt. Đơn cử, hầu như mọi chuỗi siêu thị của Nhật Bản không nhập khẩu hàng trực tiếp từ nhà cung ứng nước ngoài, mà mua qua các đầu mối nhập khẩu lớn. Việc tiếp cận và bán hàng trực tiếp vào hệ thống phân phối của Nhật Bản khá khó khăn.

Người dân Nhật Bản có nhận thức cao về sức khoẻ, đòi hỏi sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm phải có chất lượng tốt và rất nhạy cảm với sản phẩm vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi đã mất tuy tín, mặt hàng thực phẩm đó rất khó quay trở lại bàn ăn của người tiêu dùng Nhật Bản.

Với kinh nghiệm thực tế nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm Việt Nam phân phối tại thị trường Nhật Bản, ông Ken Griffey Santo- Giám đốc Công ty BETOHASU, chia sẻ, nhập khẩu thực phẩm vào Nhật Bản phải tuân thủ nhiều bộ luật, ban hành bởi nhiều cơ quan khác nhau, như: Luật kiểm dịch thực vật, luật an toàn thực phẩm …

Một trong những sản phẩm của Bếp Việt được nhập vào thị trường Nhật Bản

Mặt khác, để nhập khẩu thành công ngoài việc đáp ứng thói quen tiêu dùng còn phải điều chỉnh sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Ví dụ, công ty đã mất 1 năm để bản địa hoá sản phẩm mắm nêm ngon Thuận Phát mới có thể nhập khẩu thành công.

Ngoài ra, nhãn mác sản phẩm phải ghi rõ các thành phần chính, thành phần dễ gây dị ứng…và tuân thủ các quy định trong luật hiển thị sản phẩm, luật ghi nhãn cao cấp, luật tái chế bao bì, luật khuyến khích sử dụng các nguồn lực…

Cũng bởi độ khó cao, dù là thị trường mục tiêu của doanh nghiệp trong nước nhưng thị phần của nông sản, thực phẩm Việt Nam tại Nhật Bản còn khá nhỏ bé: Rau tươi đông lạnh 1,3%, hoa quả 2,7%; cà phê 14,7%…

Nắm rõ các quy định

Dù khó nhưng ông Tạ Đức Minh cho biết, thời điểm hiện tại là cơ hội tốt cho doanh nghiệp thực phẩm trong nước đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Nguyên do, đồng yên mất giá, lạm phát tăng khiến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm tiêu dùng thiết yếu tăng cao. Trong khi mức lương danh nghĩa của người dân Nhật Bản không thay đổi, ngân sách chi tiêu trong gia đình căng thẳng. Về lâu dài, người tiêu dùng Nhật Bản có thể hướng tới lựa chọn sản phẩm có giá thấp hơn trong số các sản phẩm nhập khẩu nhưng có chất lượng, công dụng tương tự. Đây là cơ hội cho hàng Việt Nam.

Mặt khác những sản phẩm được nhập khẩu nhiều và ưa dùng tại Nhật Bản như: Cá và sản phẩm chế biến từ cá; tôm, lươn, thịt, đậu nành…là thế mạnh sản xuất của Việt Nam và có khả năng cung ứng tốt.

Hơn nữa, lượng du học sinh và người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Nhật Bản tăng 10 lần trong thập kỷ qua, năm 2021 là 430.000 người cũng là phân khúc hấp dẫn, dễ khai thác cho doanh nghiệp trong nước.

Theo Giám đốc Công ty BETOHASU, ở các thành phố lớn của Nhật Bản quán ăn Việt Nam khá phổ biến nhưng ở thành phố nhỏ, vùng nông thôn hiện vẫn chưa có hoặc có rất ít. Do vậy, vẫn còn nhiều dư địa cho thực phẩm Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản để phục vụ đối tượng này.

Vị giám đốc doanh nghiệp này cũng bày tỏ, sau khi làm việc với đối tác Việt Nam nhận thấy kiến thức về xuất nhập khẩu giữa 2 bên cần sự đồng nhất để đạt hiệu quả, nhất là về trách nhiệm của nhà nhập khẩu. Có một hiện trạng, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam vẫn chưa có nhiều kiến thức, nhận thức cao về vấn đề này.

Ngoài những chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế của ông Santo, để doanh nghiệp trong nước thuận lợi thâm nhập thị trường Nhật Bản, đại diện Thương vụ Việt Nam cũng lưu ý: Việc tiêu thụ sản phẩm thực phẩm của người dân Nhật Bản phụ thuộc vào địa điểm sinh sống, giới tính, do vậy doanh nghiệp cần lưu ý để lựa chọn phân khúc phù hợp.

Doanh nghiệp cũng cần thiết lập một liên kết chặt chẽ đảm bảo tính đồng bộ, thông suốt trong mọi khâu từ sản xuất đến bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu. Sản phẩm xuất khẩu cũng cần có sự đa dạng về khẩu vị, cải tiến mẫu mã để thu hút khách hàng; ổn định giá cả và lượng hàng cung ứng; xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm.

Việt Nga (nguồn: http://kinhtevn.com.vn)