Bánh đúc lạc chấm tương - Bầu trời ấu thơ trong tôi

Thực phẩm Bếp Việt
Th 2 19/09/2022

          Trong cuộc đời của mỗi người, chắc hẳn ai cũng sẽ ghi dấu một món ăn mà mình nhớ nhất. Đó có thể không phải là món ăn cao sang hay sơn hào hải vị nhưng hẳn là phải gắn với những dấu ấn đặc biệt, những kỉ niệm sâu sắc khó quên hoặc được nấu bởi một người vô cùng quan trọng, thân thiết. Và với tôi, món ăn để lại trong tôi những kỉ niệm, nỗi nhớ khắc khoải, khôn nguôi đó chính là món bánh đúc lạc chấm tương. Món ăn vô cùng giản dị nhưng được nấu bởi bàn tay lam lũ, tảo tần của mẹ và cũng nhờ đó mà anh chị em chúng tôi được nuôi lớn và trưởng thành.

          Hồi đó, nhà tôi rất nghèo. Mẹ tôi lúc nào cũng tất tưởi, bận rộn, không có lúc nào ngơi tay. Ban ngày thì làm bạn với con trâu, cái cày. Còn tối đến mẹ lại cặm cụi bên ngọn đèn khâu vá quần áo cho anh em chúng tôi. Mẹ lấy quần áo cũ của đứa lớn cắt cắt, khâu khâu thành đồ mới cho đứa nhỏ. Thế mà đứa nào cũng háo hức mong đợi ngày được diện đồ mới mẹ làm. Những lúc nông nhàn, mẹ tôi lại gánh đôi quang gánh ra chợ buôn bán. Mẹ buôn nhiều thứ lắm khi thì mấy mớ rau, khi thì ít tôm tép mà bố tôi tranh thủ kéo vó được, đặc biệt mỗi lần đến chợ phiên mẹ lại khuấy bánh đúc lạc mang đi bán. Những ngày ấy là những ngày anh em chúng tôi háo hức mong đợi nhất, vì biết chắc chắn mình sẽ được mẹ cho ăn mấy cái và còn được mẹ mua quà khi mẹ đi chợ về. Cho đến tận bây giờ, dù đã ăn nhiều loại bánh đúc với phiên bản đổi mới khác nhau nhưng tôi vẫn nhất định cho rằng không có thứ bánh nào ngon bằng bánh đúc mẹ tôi làm ngày ấy.

          Để có bánh kịp bán buổi chợ thì từ chiều tối mẹ đã ngâm gạo, luộc lạc. Lạc mẹ vừa luộc xong, còn bốc khói nghi ngút nhưng anh em chúng tôi đã vây quanh nhanh tay nhón vài củ vừa nhón vừa thổi phù phù vì nóng, tôi út ít không tranh kịp các anh chị nên chỉ biết khóc, mẹ lại dừng tay dỗ dành và bóc cho tôi mấy củ lạc để vào bát rồi cho tôi ngồi cạnh xem mẹ làm. Gạo sau khi mẹ ngâm xong được xay bằng cái cối đá vừa nặng vừa to, thế mà tay mẹ đẩy cối rất nhịp nhàng. Đôi lúc mẹ dừng lại lau mồ hôi và múc một gáo nước đổ vào cối rồi tiếp tục xay. Còn tôi ngồi bên cạnh khi hát cho mẹ nghe, khi thì vào nghịch gạo khiến mẹ cáu phát cho mấy cái vào mông tôi mới chịu đi chỗ khác.

Sáng sớm, mẹ đã thức dậy, nhóm bếp quấy bánh, dưới ánh lửa bập bùng, mẹ dùng đũa cả được vót nhẵn bằng tre già, đảo liên tục, khói ở trong nồi bốc lên nghi ngút, đến khi gần được mẹ cho lạc luộc vào rồi tiếp tục đảo đều sau đó bắc xuống, đổ bánh lên trên cái mẹt trải sẵn lá chuối tươi đã được anh em chúng tôi lau sạch từ chiều. Xong mọi thứ, mẹ chuẩn bị đồ nghề để kịp buổi chợ, mấy cái ghế, mấy cái bát, vài đôi đũa, khăn lau… được mẹ xếp gọn gàng vào thúng, phía trên là mẹt bánh đúc được che bằng vải màn và đậy lồng bàn rồi mẹ đạp xe vội đi. Khi anh em tôi thức dậy là đứa nào đứa ấy nhanh nhanh chóng chóng làm mọi việc rồi lấy miếng bánh mà mẹ chia từng phần cho các con. Bánh đúc mẹ làm có vị nồng của vôi, vị bùi bùi của lạc luộc, vị dẻo dai của gạo mới hòa quyện cùng vị tương sóng sánh, ngọt ngào quả thật là những dư vị khó quên.

          Giờ đây, mẹ tôi đã già không còn phải tất bật gồng gánh chợ xa nữa. Tôi cũng không còn là bé út ít hay mè nheo hôm nào mà đã trở thành một cô giáo vùng cao, mang cái chữ và tình yêu thương của tôi cho những đứa trẻ ở rẻo đất Tây Bắc xa xôi và còn nhiều nghèo khó. Mỗi năm tôi chỉ về thăm mẹ vào mỗi dịp hè, nhưng lần nào về tôi cũng nịnh nọt mẹ khuấy bánh đúc cho ăn. Nhìn con cháu quây quần bên mâm bánh, tôi thấy trong mắt mẹ ánh lên niềm vui. Thế đấy, hạnh phúc đôi khi thật giản đơn, nó chứa đựng trong kỉ niệm, trong nỗi nhớ và cả trong những món ăn được nêm bằng những gia vị yêu thương mà ta dành cho nhau./.

Nguyễn Thị Hương     

 Tags: