Canh mẹ nấu: Khổ qua - đau khổ rồi sẽ qua

Thực phẩm Bếp Việt
Th 2 19/09/2022

“Con yêu, lòng người cũng như trái khổ qua vậy. Khi con nếm thấy nó có vị đắng nghĩa là ông trời đã cho con cuộc sống có quá nhiều sự ngọt ngào.”

Đó là câu mẹ đã nói với tôi trong lần tôi cố nếm thử món khổ qua nhồi thịt mẹ nấu. Khi đó, có một cô nhóc 7 tuổi vừa tròn xoe mắt nhìn mẹ của mình, vừa tìm cách tách lấy phần thịt và hột đang chơi trốn tìm, nấp bên trong cái vỏ khổ qua xù xì. Rồi vừa mơ mơ màng màng ghi nhớ lấy câu nói của mẹ.

Chẳng ngẫu nhiên mà tên ở nhà của tôi là Kẹo, lý do cũng bởi tôi là một người luôn không thể nói lời từ chối với đồ ngọt. Lúc còn bé, như bao đứa trẻ con khác, tôi cũng gia nhập “Hội những người không đội trời chung với khổ qua”. Ấy vậy mà khi lớn thêm một chút, bằng một cách thần kỳ nào đó, tôi bén duyên với món canh khổ qua nhồi thịt của mẹ từ lúc nào chẳng biết. Nhắc đến cơm mẹ nấu, đọng lại trong tâm trí tôi luôn là món canh mang vị đăng đắng ấy. Chắc là “ghét của nào, trời trao của ấy”!

Trong ký ức bé nhỏ của tôi, vào những ngày khi chị Xuân chuyển mình nhường bước đi cho nàng Hạ, lúc những chùm phượng vĩ nở hoa đỏ chói, bập bùng như ngọn lửa, đốt cháy cả một góc trời, thì khi đó mẹ tôi sẽ cắp giỏ ra chợ mua lấy mớ thịt, dăm ba quả khổ qua để nấu món khổ qua nhồi thịt cho cả gia đình. Mẹ bảo: thuốc đắng thì dã tật. Khổ qua tuy đắng nhưng ăn lại rất mát. Khổ qua sau khi mua về được mẹ bổ đôi, dùng thìa để loại bỏ phần ruột. Sau đó mẹ ngâm với nước muối rồi vớt ra để ráo. Mẹ nói làm thế sẽ bớt đắng hơn. Thịt băm nhuyễn, trộn với cả hành tím, mộc nhĩ, bún tàu. Mẹ luôn làm phần thịt nhiều hơn, phần dư ra mẹ sẽ vo thành những viên tròn tròn, rồi thả trực tiếp vào phần nước súp.

Khói bếp trôi lững lờ trên mái lá, vài tia nắng chiều cũng tinh nghịch ghé ngang đậu trên khung cửa bếp, chắc chúng đang xem mẹ nấu gì. Dưới đôi bàn tay thoăn thoắt ấy, món canh khổ qua nhồi thịt dần dần hoàn thiện. Mùi thơm thoang thoảng, cuối cùng mẹ rắt thêm xíu hành lá, trang trí thêm vài cọng rau mùi. Vậy là món ăn đã ra lò, nóng hôi hổi.     

Là người con xa quê đã lâu, sau một khoảng thời gian bận bịu với những công việc, bài vở, sáng nay vô tình nghe thấy những nhạc công ve sầu đã bắt đầu râm ran dàn đồng ca mùa hạ trong đám cỏ. Tôi bỗng giật mình, thì ra Hạ sắp về. Lòng tôi lại nhớ món canh khổ qua mẹ nấu da diết.

Nhớ tới mùa hè 2019, năm tôi trượt nguyện vọng 1 khi thi đại học, trượt cái ngành mà tôi mơ ước bấy lâu. Tôi đã gục ngã và khóc rất nhiều. Khi ấy, mẹ chẳng một lời trách mắng, chỉ lặng lặng nấu cho tôi một bát khổ qua. Mẹ bảo: “Đau khổ nào rồi cũng sẽ qua. Cuộc sống sẽ không dừng lại nếu con biết cố gắng”.

Phải! Đau khổ nào cũng sẽ qua! Bao lần đã ăn canh khổ qua mẹ nấu, nhưng bát canh ấy chẳng biết vì sao tôi lại thấy nó ngon hơn lúc xưa. Cứ một muỗng, lại một muỗng, vị thanh thanh của nước canh cứ vươn ở đầu lưỡi. Chẳng còn đắng ngắt, chẳng còn khiến tôi ghét bỏ như xưa. Phải chăng bát canh ấy ngon hơn là vì thuở thơ ấu gia đình khó khăn, căn bếp của mẹ từ đó cũng đơn sơ, bình dị với vài gia vị mắm muối căn bản. Nay gia đình đã khấm khá, món khổ qua được mẹ chăm chút hơn, dùng hạt nêm Sườn heo rau củ của Bếp Việt, làm vị canh vốn đăng đắng trở nên “nâng tầm món Việt” hơn? Hay bởi vốn càng trưởng thành, càng trải qua nhiều phong ba, vấp ngã, người ta lại cảm thấy vị đắng của khổ qua đã là gì so với vị đắng của cuộc đời?

Một món ăn ngon không chỉ đơn thuần nằm ở nguyên liệu tươi ra sao, cách chế biến như thế nào. Mà một món ăn ngon còn nằm ở tâm người đầu bếp. Cảm ơn mẹ rất nhiều vì đã biến trái khổ qua vốn đắng kia trở nên ngọt ngào hơn bao giờ hết. Cảm ơn mẹ rất nhiều vì đã dạy con bài học về sự đứng lên sau mỗi lần vấp ngã, không bao giờ được chùn bước trước khó khăn. Mẹ ơi, mẹ biết không, rằng không nơi đâu yên bình bằng gia đình. Dẫu ngoài kia biết bao sơn hào hải vị lại chẳng đâu sánh bằng cơm mẹ nấu. Mai này khi con yên bề gia thất, con cũng muốn trở thành một người giữ lửa cho tổ ấm giống mẹ. Nấu cho những người con yêu thương món khổ qua thật ngọt ngào!

Hồ Thị Tiểu Nghi     

 Tags: