Lời dạy của mẹ trong món canh cáy ngọt lành gây thương nhớ

Thực phẩm Bếp Việt
Th 2 19/09/2022

Tôi là một cô giáo vùng cao. Với tôi khi được bố mẹ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền núi phía Tây Bắc của dải đất hình chữ S xinh đẹp này chính là một đặc ân. Cũng nhờ nghề dạy học mang con chữ đến với những học sinh nghèo vùng đặc biệt khó khăn trên mảnh đất quê hương còn vất vả của đồng bào các dân tộc quê mình mà tôi có duyên được gặp anh – chồng tôi bây giờ. Anh là trai miền xuôi chính gốc. Cũng vì điều kiện công tác của hai vợ chồng nên hàng năm chỉ có dịp lễ, Tết hay nghỉ hè tôi mới có dịp cho hai con gái về thăm và chơi với ông bà nội nhiều.

          Sinh ra và lớn lên ở miền núi từ nhỏ nên mỗi lần có dịp về quê chồng, tôi rất háo hức khi được cùng mẹ chồng đi chợ phiên. Bà con thôn quê thật thà hồn hậu giống hệt như bà con dân tộc trên miền núi nơi tôi sinh sống, gieo con chữ. Được đi chợ cùng mẹ, rồi được mẹ đãi biết bao món ăn mang đậm hương vị quê hương Đồng bằng Bắc Bộ như: canh rau nhút nấu cá rô đồng, canh cá nấu chua hay sang hơn là món chả rươi mẹ để dành trữ đông trong tủ lạnh chờ vợ chồng con trai trưởng từ miền núi về đem ra nấu cho con ăn.

Thế nhưng, có lẽ món ăn gây thương nhớ, ấn tượng nhất nó còn mang một hương vị thanh đạm dân dã đậm hồn quê mà mỗi khi mẹ trổ tài tôi đều xuýt xoa và mong được là học trò mẹ dạy, đó chính là món canh cáy nấu với mồng tơi, rau đay và mướp. Mẹ chồng tôi gọi món canh cáy là món ăn giải nhiệt trong những ngày hè oi bức của tháng 5, tháng 6 dưới xuôi. Nhìn những con cáy bò trong chậu và nhìn tay mẹ bóc mai bỏ yếm không khác gì làm cua như trên miền núi. Như mẹ tôi nói cáy có quanh năm nhưng nhiều nhất vẫn là mùa hè, khoảng tháng 5 tháng 6 là cáy rộ nhất và nó cũng béo nhất. Cáy sau khi bóc mai bỏ yếm thì cho vào cối giã nhuyễn thêm vài hạt muối để khi nấu sẽ có vị đậm đà. Sau khi giã nhỏ đem lọc lấy nước bỏ bã. Làm cáy không khác gì làm cua nhưng khi nấu canh sẽ thấy cáy có vị ngọt đặc trưng riêng không thể lẫn với món ăn khác. Khi đã có nước cốt của cáy, mẹ đặt xoong lên bếp cho nước, chút mắm và bắt đầu đun. Mồng tơi, rau đay, mướp hương đã được tôi nhặt rửa và thái nhỏ từ trước. Khi thấy nồi canh sắp sôi mẹ cho bếp cháy từ từ cho lửa nhỏ để khi sôi gạch của cáy không bị vỡ. Thả rau vào đến khi nồi canh sôi đều một lần nữa là nhắc xuống, nêm nếm thêm chút mì chính hay hạt nêm là đã có một nồi canh cáy hoàn chỉnh. Đợi khi canh nguội là cả nhà có thể ngồi vào mâm để thưởng thức món canh mà mẹ tôi làm đầu bếp chính, còn con dâu mẹ là cô học trò học việc.

Canh cáy sẽ trọn vẹn hơn nếu có thêm một bát cà muối nhỏ. Mùa hè thời tiết oi bức, chỉ cần trên mâm cơm có bát canh cáy giải nhiệt ăn kèm cùng mấy quả cà và sang hơn chút thêm vài miếng thịt rang vàng cháy cạnh thì cả nhà ăn một bữa cơm ngon lành trong tiếng xuýt xoa cùng lời hẹn mẹ bữa sau lại làm món canh ngọt lành thanh mát ấy để cả nhà thưởng thức.

          Giờ đây khi đã làm dâu mẹ gần 14 năm, tôi đã được mẹ phong là “truyền nhân” có chút năng khiếu học tập cách chế biến những món ăn đậm đà quê hương từ mẹ. Mẹ không chỉ dạy tôi cách chế biến những món ăn một cách tận tình chu đáo mà ngay cả trong những lời động viên dành cho con dâu bà cũng dùng cách nói hóm hỉnh, chất phác, thật thà.

Trong thời gian làm dâu con trong nhà thì mất tới 2 năm mẹ phải theo tôi ra Hà Nội, vì tôi chữa bệnh. Tôi bị khối u ở mặt, trải qua 4 lần phẫu thuật vì u tái phát. Biết tôi đau đớn lại thêm tâm lí lo lắng con gái mới sinh còn nhỏ đã phải cai sữa mẹ tôi khóc suốt. Vậy mà, bên cạnh sự ân cần chăm sóc thì mẹ động viên tôi bằng câu nói mà đến bây giờ khi nhớ lại tôi vẫn tự cười một mình: “Cố gắng ăn nhiều cho mau khỏi bệnh. Mày khỏi nhanh được về nhà mẹ sẽ nấu canh cáy với mồng tơi, rau đay cho mà ăn. Chẳng phải mày vẫn bảo mẹ nấu món ấy là con sẽ ăn hết cả thùng gạo nhà mẹ hay sao? ”. Mặc dù, khi ấy rất đau vì vết mổ nhưng trong tôi rất vui và cảm động bởi tình yêu mẹ dành cho tôi nó đúng như câu các cụ hay ví dâu là con.

Nấu ăn ngon cũng là một nghệ thuật trong hành trình giữ lửa của người phụ nữ trong gia đình. Món ăn được chế biến từ cáy tuy giản đơn nhưng tôi cảm nhận được trong đó một ý nghĩa vô cùng to lớn. Cách làm cáy đơn giản như chính những người nông dân thật thà, chất phác. Nhưng đến khi ăn vị ngọt thanh đạm của bát canh cáy khiến tôi như cảm nhận được tấm lòng bao la, hồn hậu của mẹ. Nhờ có mẹ cùng với những lời chỉ dẫn từ mẹ mà tôi đã nghĩ ra được rất nhiều điều trong cuộc sống. “Làm món ăn hay bất cứ việc gì con đều phải để chữ tâm lên hàng đầu, có như vậy con mới tạo ra được những món ăn ngon cũng như con mới gặt hái được nhiều thành công trong công việc và cuộc sống ”, lời mẹ tôi nói.

Chính nhờ món ăn dân dã của mẹ mà tôi như cảm nhận được sự gắn kết của tình mẫu tử của mẹ dành cho tôi, nó thật thiêng liêng, cao cả. Tôi thấy mình thật hạnh phúc khi có tới 2 người mẹ luôn yêu thương và dành cho mình những gì tốt đẹp nhất, hạnh phúc nhất. Hóa ra hạnh phúc đôi khi nó thật giản đơn, bởi hạnh phúc có thể chỉ bắt nguồn từ những điều bình dị, từ sự quan tâm và thấu hiểu./.

Phạm Thị Yến     

 Tags: