Mâm cơm cúng ngày hóa vàng
Thực phẩm Bếp Việt
Th 3 21/02/2023
Cũng giống như mùng 1, mùng 2 Tết phải dâng mâm cơm cúng gia tiên, thì mùng 3 con cháu xúm xít bên ngoại để làm mâm cơm cúng ngày hóa vàng, tiễn ông bà đi, đón thần tài về. Đây là dịp để con cháu quây quần, tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên và cầu mong một năm được phù hộ, ban phát những điều tốt lành.
Mâm cơm cúng hóa vàng có thể là cỗ chay hoặc cỗ mặn nhưng phải đầy đủ các món đặc trưng của mâm cúng ngày Tết như món xào, canh, miến, thịt kho măng, thịt ba chỉ kho, thịt ngâm mắm, cá chiên mắm và không thể thiếu món bánh tét đặc trưng.
Về món thịt kho măng khô truyền thống thì ngoại đã kho sẵn ngày 28 tháng chạp, múc ra một nồi riêng để mùng 3 cúng. Trước tiên ngoại dùng thịt ba chỉ mua về mang ngâm với nước muối khoảng 10 phút, dùng tay chà xát khắp miếng thịt để loại bỏ hết chất bẩn, khử bớt mùi hôi, để ráo, cắt miếng vừa ăn. Tiếp theo ngoại cho thịt heo vào nồi để tẩm ướp gia vị. Ngoại cho vào nồi 3 thìa canh hạt nêm sườn heo rau củ của Bếp Việt, sau đó bỏ thêm ít đường, nước mắm, nước màu, tiêu, tỏi băm, hành tím băm. Ngoại đảo đều cho thịt thấm đều gia vị và để chờ khoảng 30 phút.
Riêng về phần măng khô thì ngâm với nước ấm khoảng 8 tiếng cho măng mềm, ngoại thay nước khoảng 3 lần để măng sạch hơn. Sau đó, ngoại bắc một nồi nước lên bếp nấu thật sôi, rồi cho măng vào luộc, khi thấy măng mềm thì vớt ra rổ, rửa sạch với nước lạnh và để ráo. Và ngoại kho thịt trước rồi mới đổ măng vào sau cùng.
Những món còn lại như thịt ngâm thái mỏng, cá chiên nước mắm, canh cải thảo thì được chuẩn bị trong bữa sáng trước khi cúng. Ngoại tự tay bày biện các món ăn lên bàn thờ và thắp nhang để khấn vái mong mọi điều tốt lành sẽ đến với con cháu trong năm mới này.
Dù có năm khó khăn hay làm ăn dư dả, thì ngoại luôn chăm chút và tỉ mỉ chuẩn bị những mâm cơm thịnh soạn để mời ông bà về chung vui cùng với con cháu mỗi dịp Tết đến xuân về, cũng như đưa tiễn ông bà đi. Đó là thói quen, là nếp sinh hoạt truyền thống mà ngoại đã giữ gìn hàng chục năm qua.
Đức Bảo