Những món ăn của sự sum vầy và yêu thương

Thực phẩm Bếp Việt
Th 7 18/02/2023

Theo truyền thống của người Việt Nam cứ mỗi dịp Tết đến xuân về ai ai cũng mong muốn được về nhà để quây quần bên bữa cơm tình thân ấm áp. Gia đình tôi cũng không nằm ngoài thông lệ đó. Nhân dịp năm mới Quý Mão 2023, các thành viên dù ở xa đến đâu cũng gác lại mọi công việc bộn bề tụ họp về nơi “chôn rau cắt rốn”, chúc tụng nhau những lời chúc tốt lành. Đối với tôi điều đó không chỉ là nét văn hóa đẹp đáng để lưu giữ mà còn là cách để mọi người gắn kết tình cảm, tình thân ái giữa nhịp sống hiện đại đầy xô bồ, hối hả!

          Tết năm nào tôi và mẹ cũng đảm nhận nhiệm vụ đứng bếp để nấu những món ăn ngon dâng lên ông bà tổ tiên. Các món đều được chuẩn bị kỹ càng từ khâu nguyên liệu đến cách chế biến vì thể hiện sự thành kính của chủ nhà dành cho thần linh cai quản và gia tiên. Và đặc biệt, một trong những bí quyết góp phần tạo nên hương vị thơm ngon cho mâm cỗ Tết gia đình tôi đó là hạt nêm sườn heo rau củ của Bếp Việt. Thành phần gia vị hoàn toàn không có chất bảo quản lại giữ nguyên vị tươi mới chiết xuất từ rau củ và sườn tươi do đó giúp các món ăn trở nên ngon miệng và hấp dẫn hơn rất nhiều.

Bí quyết nấu ăn của tôi là sử dụng hạt nêm sườn heo rau củ của Bếp Việt

          Những món ăn ngày Tết nhà tôi chủ yếu mang đậm nét đặc trưng của miền Bắc, chú trọng vào sự hài hòa cả ở chất lượng và hình thức. Tôi vẫn nhớ như in lời mẹ dạy từ thuở bé là không quan trọng mâm cỗ bao nhiêu món mà điều cần chú ý là mâm cỗ ấy phải đầy đủ cả món canh, món mặn, món ăn kèm. Và đặc biệt quan trọng nhất là dù món luộc, xào, chiên hay hấp cũng cần xơi cho đầy để thể hiện sự no đủ cả năm. Trong tổng thể các đĩa thức ăn có sắc trắng, xanh, hồng, vàng đại diện cho lời cầu chúc năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý. Cỗ thắp hương thường bao gồm 8 món ăn đại diện cho tứ trụ, 4 mùa, 4 phương. Vì vậy, mâm cỗ ngày mùng 1 Tết của gia đình tôi luôn chuẩn bị các món ăn cổ truyền của dân tộc mang màu sắc tốt lành như: nem rán, thịt gà, canh miến, bánh chưng… Ngoài ra, 6 chiếc bát và 6 đôi đũa đặc bên ngoài cũng tượng trưng cho sự phát tài, phát lộc theo quan niệm phong thủy.

8 món ăn đại diện cho tứ trụ, 4 mùa, 4 phương

          Như thông lệ mọi năm, ngày mùng 2 Tết là các thành viên trong gia đình tôi lại cùng nhau sum họp chúc mừng năm mới. Những món ăn trong mâm cỗ ngày này cũng mang đậm hương vị truyền thống: thịt gà, giò chả, bánh chưng, rau củ xào, củ kiệu… Các món thịt và món rau được sắp xếp xen kẽ ngoài việc mang lại ý nghĩa sâu sắc còn để “chống ngán” ngày Tết. Thịt gà xếp đầy đặn gửi gắm ước vọng về sự ấm no hạnh phúc; giò chả đại diện cho sự hòa hợp, gắn kết; bánh chưng tượng trưng cho trời đất, lòng biết ơn tổ tiên và tình yêu dân tộc; rau củ xào thể hiện sự tươi tốt, hòa hợp; củ kiệu biểu trưng cho tình nghĩa sâu nặng, mặn mòi; ngô luộc gửi gắm mong ước năm mới đủ đầy, thịnh vượng… Hòa trong tiếng nhạc Happy New Year du dương, tất cả các thành viên ngồi quây quần bên mâm cỗ cùng điểm qua những thành tựu đạt được trong năm cũ và chúc tụng nhau năm mới may mắn tốt lành, làm ăn phát đạt, đại cát, đại lợi.

Cả gia đình quây quần bên mâm cỗ dành cho nhau những lời chúc an lành

Ngày nay dù cuộc sống đã hiện đại hơn so với trước nhưng gia đình tôi vẫn luôn cố gắng chuẩn bị đầy đủ những món ăn truyền thống để mâm cỗ ngày Tết thực sự mang ý nghĩa đoàn viên, sum vầy. Hy vọng nét đẹp văn hóa này sẽ được lưu giữ mãi mãi trong mọi gia đình để các thế hệ sau thêm trân quý và tự hào đối với các giá trị lịch sử, tinh thần mang tầm vóc cội nguồn dân tộc Việt!

 Trương Hương Ly