CỦI MỘC CHIỀU CUỐI NĂM

Thực phẩm Bếp Việt
CN 09/10/2022

Mẹ đang bắc bếp luộc bánh chưng, bụi tro vương trên mái đầu đã hoa râm càng làm cho tóc mẹ trắng nhiều hơn. Mẹ về với gia đình mình đã nhóm bếp gần bốn mươi nồi bánh chưng, cũng là bấy nhiêu năm bố trong nghề thợ mộc. Bên tai mẹ vẫn văng vẳng câu hát ngây ngô của con bé ba tuổi ngày xưa:

“Lấy chồng thợ mộc sướng sao,

Mạt cưa rấm bếp, vỏ bào nấu cơm.

Vỏ bào còn nỏ hơn rơm,

Mạt cưa rấm bếp còn thơm hơn trầm”.

Con còn nhỏ chưa hiểu từng câu từng chữ bài ca dao thợ mộc. Thời đó thợ mộc chỉ là nghề tay chân nặng nhọc, tiền công chẳng được mấy đồng, lời lãi chỉ có củi thừa, mùn cưa, vỏ bào để đun bếp. Nhà nghèo nên bố không được đi học nhiều, chỉ biết chữ là đi học nghề, làm thuê, làm ruộng, cưới mẹ cũng là con nhà nông ít học. Nhưng mẹ hiểu bài ca dao không hẳn là khen ngợi đề cao bác thợ mộc nghèo, chỉ là câu hát dân gian động viên người lao động, lấy đó làm niềm vui.

Còn thực tế cuộc sống của gia đình thợ mộc nó cay xè như khói bếp củi vào mắt mẹ mỗi ngày. Bao nhiêu nồi cơm, nồi cám, bao nhiêu siêu nước lớn nhỏ, bao nhiêu nồi cá kho, bao nhiêu chậu than đốt cho cả nhà cùng sưởi những mùa đông giá rét. Được cái lấy anh thợ mộc khéo tay thì đỡ tốn tiền mua sắm, sửa sang dụng cụ làm nông từ đòn gánh, cày, cuốc, xe th, gàu tát nước... đến đánh chấu liềm, dao rựa bố cũng xử lý được. Mẹ chăm lo đồng ruộng, còn bố vừa chạy việc thợ mộc vừa đỡ đần mẹ mỗi khi vụ mùa vào rộ.

Tết đến, mọi người nghe mùi bánh chưng trong nồi là thấy ấm lòng, còn đối với mẹ chỉ nhớ mỗi mùi khói của từng thanh củi dưới đáy nồi. Gỗ xấu, gỗ thừa, gỗ hỏng trong năm bố đóng đồ cho khách. Những thanh gỗ to chắc mẹ bó lại thật chặt, gác trên xà ngang chuồng lợn, đến Tết lấy xuống để nấu bánh chưng. Khi các thanh gỗ cháy quá nửa, sủi bọt trắng kêu xèo xèo, mẹ nhanh tay đẩy thanh củi vào bếp cho đượm lửa, bọt củi bám đầy tay mẹ, mùi khói cứ ở trên tay mãi không thôi. Từ ngày 28 Tết, mẹ bận rộn ra vào cái bếp chật hẹp thấp tè, tro bếp đầy đầu, bọt củi đầy tay, nhưng mẹ vui. Vì cứ ngửi thấy mùi khói của các thanh củi nghĩa là Tết đó nhà có củi đun, có bánh chưng để nấu, nghĩa là năm đó bố có nhiều công thợ, nghĩa là năm đó mẹ còn khỏe để quanh quẩn bên căn bếp nhà mộc.

Đến nay, căn bếp xưa đã xây sửa lại, không còn chật hẹp thấp tè đầy khói như ngày nào. Mẹ vẫn không quên chuẩn bị gạo nếp, đậu, thịt, lá dong, lạt dang mỗi chiều 28 Tết. Bố dạy các con gói bánh chưng. Cái khuôn nhỏ xinh anh thợ mộc tự tay làm từ bao năm nay vẫn vậy, giờ các con đặt lá dong, xúc gạo, xếp nhân gói bánh chưng bằng khuôn đúng kiểu con nhà mộc. Tụi nhỏ quen nếp như vậy, năm nào cũng đòi gói bánh chưng. Chắc có lẽ chúng sợ bố mẹ đã có tuổi, có khi nào quên mất hương vị Tết bao đời? Hay chúng tự nhắc bản thân ghi nhớ hương vị yêu thương từ thời thơ ấu, để mỗi năm hương vị ấy lại đong đầy trong tim mình?

Các con đã lớn khôn, bố cũng trở thành ông thợ cả có tiếng trong vùng. Nấu ăn hàng ngày người ta đều dùng bếp ga, bếp điện nên ít thấy khói bếp. Ngày Tết cũng chỉ mua bánh chưng bán sẵn ở chợ về thắp hương, nên chẳng mấy gia đình còn tự gói, luộc bánh chưng như những ngày xưa cũ. Các nàng dâu bây giờ ít ai còn biết nhóm bếp củi, ít người phải cắm cúi lấy hơi thổi lửa để tro bụi đầy đầu như mẹ. Giờ mẹ tự nhận mình như một người già cố chấp, cứ phải thấy bếp củi đỏ hồng dưới nồi bánh chưng mới thấy Tết.

Có lẽ vì mẹ nhớ mùi củi cháy trong bếp mỗi chiều cuối Chạp, nhớ đến cả thời thanh xuân ám mùi oi khói trong gia đình thợ mộc nghèo mà luôn hòa thuận, quấn quýt bên nhau. Mỗi năm qua đi lại khấp khởi cầu mong một mùa xuân đem đến nhiều điều mới mẻ, tốt đẹp nhưng vẫn phảng phất trong lòng mùi khói của những ngày lam lũ không quên./.

Nguyễn Thị Mai