HẾN SÔNG CHU VỊ NGON MẸ NẤU
Thực phẩm Bếp Việt
Th 5 13/10/2022
Người dân quê tôi đi khắp muôn phương vẫn không bao giờ quên được khẩu vị đặc biệt ngon thịt con hến sông Chu. Cứ hễ ngửi thấy mùi thơm phi hành với tóp mỡ ruột con hến sông bay thoảng ra từ quán cháo nào đấy nơi phố thị mỗi ngày có dịp ngang qua là tôi lại nhớ tới mẹ tôi thường chế biến ở góc bếp tranh nghèo ngày xưa. Thịt hến nấu cháo gạo thơm, nấu canh rau ngót, xào củ kiệu ăn với bánh da vừng nướng vàng thì ngon tuyệt. Không hiểu sao một loại “sơn hào, hải vị” nấu với thứ gì đi chăng nữa cũng làm cho chúng tôi nhớ mãi. Ôi chao! Loại hải sản chẳng ai dày công nuôi trồng mà cũng chẳng cần tốn công chăm sóc như những loại hải sản khác. Thứ quà ấy làm ra là món ăn đặc sản quý của thiên nhiên dành tặng cho người dân quê tôi nơi dòng sông quê hiền hòa nước chảy bốn mùa.
Con hến sông Chu sinh sản dưới lòng sông nhiều nhất vào thời gian khoảng độ của những ngày đầu hè. Chúng phát triển rất nhanh. Mới ngày nào, hến trông giống như những viên sỏi trắng pha hồng hồng mà giờ đây, nó đã to bằng một đốt ngón tay út người lớn, có những con còn to bằng đốt ngón tay cái là đằng khác. Không biết hến ăn gì dưới dáy sông sâu ấy mà sao nhiều thế. Và chỉ có người dân làng chài làm nghề sông nước mới biết được nơi lòng sông sâu ấy chỗ nào hến tập hợp lại. Họ dùng cái nông cụ cào hến thủ công làm bằng hai thanh gỗ kết những nan tre đan chéo hình thoi, có răng thưa để chải trên cát, khoảng cách giữa các nan tre vừa phải để khi cào xuống thì cát trôi đi còn hến được giữ lại. Họ ngâm mình hàng giờ dưới nước cào hến. Rồi mang lên chợ quê bán để kiếm tiền, mưu sinh. Cũng từ những con hến sông ấy mà nơi nào quê tôi cũng biết thưởng thức.Mẹ tôi mua mớ hến sông về chế biến nhiều thứ cho chúng tôi ăn. Cháo hến nấu với gạo Trân châu lùn trong cái nồi nhôm đen nhẻm nhọ nồi của khói rơm rạ bám dày từng lớp. Mẹ chế biến cho nồi cháo ngon hơn và phải canh chừng lửa kẻo khê khét thì hỏng hết. Ruột con hến sông rửa sạch rồi cho vào chảo gang đang đun nóng mỡ, hành. Tiếng “xèo” phát ra thì mẹ dùng đôi đũa ăn cơm đảo lia lịa cho đều. Mùi thơm lựng bốc lên từ cái chảo gang ấy sao thèm quá đỗi. Mẹ nêm chút hành hoa thái nhuyễn, trộn mì chính cánh, pha chút nước nắm cá cơm, rắc chút hồ tiêu vào. Ngon ơi là ngon! Đợi cháo nhuyễn thì mẹ đổ hết một chảo gang xào ruột hến ấy vào nồi cháo, dùng chiếc muôi nhôm cán dài đảo đều đun cho cháo sôi bung lên. Mùi thơm càng thoảng thơm nhiều hơn thì cháo chín tới. Mẹ múc ra từng bát cháo để ra cái mâm đồng đủ cho cả nhà ăn. Không cần để nguội, cũng chẳng cần tới cái thìa, chúng tôi húp xụp xoạt xung quanh miệng bát, xuýt xoa..hít hà. Cháo nóng, thi thoảng lại ngừng lại thổi phù phù cho nguội rồi ăn tiếp, thật vừa ngon mà mát lòng, mát dạ.
Ngoài cháo hến ra, món củ kiệu xào với ruột hến cũng ngon phải biết. Mẹ chế biến cực kỳ ngon. Cứ nhìn đĩa củ kiệu tròn vung đầy có ngọn, nóng hổi, nghi ngút mùi thơm bay lan trong bếp, tôi lại nghĩ tới những chiếc bánh đa vừng nướng vàng ươm bẻ ra xúc củ kiệu xào ruột hến mà nhơ nhớ một thuở xưa. Tiếng bẻ bánh “đốp…đốp” liên hồi của từng người xúc hến và củ kiệu đưa vào miệng thưởng thức thì chao ơi “hương đồng, cỏ nội” thấm vào chót lưỡi, đầu môi. Tuyệt vời!
Rồi bữa cơm ngày hè nóng nực, được mẹ nấu cho nồi canh bồ ngót với hến phi hành mỡ thì còn gì bằng, đậm hương vị làng quê. Hến sông nấu với rau dền, rau mồng tơi, mướp hương… cũng thơm và ngon lắm. Hương thơm bay rất xa, chưa vào tới bếp mà đã ngửi thấy mùi thơm ấy rồi. Các loại rau trồng trong vườn thành từng luống hái mang vào không cần phải lựa chọn mớ rau bán trên chợ. Rau ngót mới dạo nào giâm cành cắm xuống từng khóm, bẵng đi một thời gian ngắn, từ những nách chùm lá mọc lên cây con rồi phát triển xanh tốt, mơn mởn. Hái từng chùm lá ấy mang vào tuốt lá bỏ cành, rửa thật sạch, vò nát rồi nấu chung với con hến sông thì mùi thơm của rau quện với thịt con hến phi hành với tóp mỡ cực kỳ, hết sẩy luôn.
Bao nhiêu món ăn từ con hến sông làm cho chúng tôi ăn, tôi nhớ mãi. Nhìn hàng rau ngót, rau dền, rau mồng tơi xanh vườn nhà ai đó, rổ củ kiệu trắng ngà trồng chăm vất vả, tôi cứ ngỡ bữa ăn nào cũng đều in hằn bóng dáng mẹ tôi lủi thủi nấu dưới mái bếp tranh có cái kiềng ba chân, nồi gang, nhôm đen nhẻm hằn vết nhọ nồi khói rơm rạ bám chắc quanh nồi…
Phùng Văn Định