HŨ CÀ NA NGÀO ĐƯỜNG CỦA MÁ

Thực phẩm Bếp Việt
Th 6 14/10/2022

Những ngày đó, má tôi đau. Má không còn vào bếp nữa. Người làm việc đó là ba tôi, lẽ dĩ nhiên, có sự hướng dẫn công thức bếp núc từ má.

Những ngày đó, cậu tôi đang vào vụ hái cà na. Hồi tôi còn bé xíu, người ta chẳng trồng cà na đâu. Cà na mọc dại ven đường, trái chen cây. Ai bơi xuồng vô tình gặp trúng cây cà na đang độ ra trái, cười tít mắt, hái về một nón to, làm món cà na ngào đường. Tôi mê món ấy từ dạo đấy.

Rồi đến lúc đi học, tôi vẫn mân mê những xâu cà na chua ngọt bán trước cổng trường, bằng cả sự háo hức và thòm thèm tuổi nhỏ.

Rồi tôi lớn lên, tuổi thơ dần ở lại ngày đó, những xâu cà na ngào đường cũng vậy, yên vị trong vùng kỉ niệm của những ngày trẻ dại.

Cho đến ngày tôi lớn bổng, ra trường đi làm, người dân quê tôi bắt đầu trồng cà na Thái khắp vùng. Cậu tôi cũng thế. Món cà na ngào đường của tuổi nhỏ trở lại, đầy cháy bỏng. Má tôi biết tỏng điều đó. Trong cuộc điện thoại về nhà, má nói với tôi:

- Cha mày vừa làm 1 hũ cà na ngào đường, trái bự bự hông hà, cất tủ lạnh để dành cho mày đó. Nào dìa lấy ra ăn! – Má tôi tâm đắc.

- Ủa sao cha làm được hay dạ mẹ? – Tôi lấy làm kinh ngạc.

- Ừa, thì tao chỉ ổng làm, ổng ngồi khía khía từng trái cực lắm. Nhìn thấy thì cũng được đó mà hông biết có ngon hông?

Rồi má kể chuyện chỉ ba ngồi lựa từng trái cà na theo ý má thế nào, rồi xả nước cho cà na bớt chua ra sao, má kể bằng sự mong ngóng và đợi chờ tôi về ăn lọ cà na ngào đường má chỉ ba làm. Má vẫn vậy. Dù có chuyện gì xảy ra trong đời, dù má đau đến tận cùng, người má luôn lo lắng, vẫn là tôi. Dù tôi có nói ra hay không, má cũng đi guốc trong ruột gan tôi.

Tôi lúc đó, bận rộn nhiều thứ. Má thì vẫn kể chuyện về hũ cà na để trong tủ đợi tôi về trong những cuộc điện thoại. Vài tuần sau, tôi mới xong việc ở phố để về thăm má, thăm ba.

Trời nắng nhẹ. Tôi quẩy ba lô chạy xồng xộc vào nhà. Má nằm trên võng nhìn tôi, mừng rơn. Đợi tôi tắm rửa nghỉ ngơi, má lại nhắc tôi về hũ cà na trong tủ lạnh. Một hũ cà na siêu to nằm chễm chệ trong ngăn mát. Tôi khệ nệ bưng ra. Mở nắp hộp, nếm một trái, má háo hức chờ đợi phản ứng của tôi.

Hũ cà na của má tôi đây!

- Nó có mùi rượu rồi mẹ ơi!

Tôi nhìn thấy sự tiếc nuối trên gương mặt của má, thật nhanh. Má lại tiếp tục rạng ngời:

- Chắc là để lâu quá rồi lên men. Hông có sao, lần sau tao bày ổng làm lại. Bữa tao mới học của mợ mày, hông có chà trái cà na quá nhiều, nó dập hết, để hai cái thớt ép lại là thịt nó sẽ ngon không nát. Chuyến nữa mần lại ngon lành, dìa có cái ăn, nghen!

“Đâu ai biết lần gặp lúc đó.

Ngồi kề bên nhau là lần cuối cùng.” – Lời tạm biệt chưa nói

Tôi đâu ngờ, lời hứa ấy không bao giờ có thể trở thành sự thật. Má chẳng còn chỉ ba tôi làm món cà na ngào đường theo cách mới kia, một lần nào nữa. Má mất vào một hôm nắng đẹp. Tôi từ phương xa chạy về tay còn ôm một trái dưa lê to cho má. Tôi không dám tin rằng, tôi đã xa má, mãi mãi vào buổi sáng ngày hôm đó.

Hãy còn nhớ như in những món ăn má chăm chút từng tí một cho tôi. Giờ trở thành kí ức, trở mình, lại thấy nhức nhói trong tim, vì biết sẽ chẳng bao giờ tôi được sống lại những ngày tuyệt vời ấy, thêm một phút giây nào nữa. Những con cá khô lấy sạch xương, túm bọc, gửi cho tui đem lên Sài Gòn. Lọ tắc vàng óng ánh má phơi ngoài hiên nắng hanh hao vì tôi nói tôi thích uống tắc đường. Hũ cà na ngào đường bỏ bao công sức, má chờ tôi về ăn vì biết tôi khoái món này từ hồi còn bé tí…

“Ai biết bầu trời xanh kia

Ngày mai sẽ trở thành sao khuya

Để ta nhớ về người mỗi đêm

Thời gian

Giữ kỷ niệm quý giá về người thân yêu”

Ngày má tôi chưa bệnh

Lại một đêm nữa, ngồi giữa căn gác nhỏ, nhớ về má, nhớ về kỷ niệm, nhớ về hũ cà na ngào đường, viết lại, bằng sự thổn thức về một tình yêu vô bờ bến mà má đã dành cho tôi trong cuộc đời này. Con nhớ má rất nhiều, má ơi!

Bùi Thị Thùy Dương (Thụy Du)