RAU LUỘC CHẤM NƯỚC CÁ KHO

Thực phẩm Bếp Việt
Th 2 10/10/2022

          Nhiều nơi ở miền Trung gọi bà là mệ. Mệ là em ruột của ông nội tôi. Lúc nhỏ, tôi thường hay được “ăn chực” các món mệ nấu. Sau này đi xa, mỗi lần về thăm nhà, mệ vừa mời đon đả vừa như nài nỉ tôi ăn cùng mệ một bữa cơm đạm bạc.

Không cần nói thì mệ cũng nhớ tôi thích món gì. Mệ có thói quen đi chợ sớm trong bộ bà ba thẳng thớm và chiếc nón lá quai nhung màu xanh đậm, lựa mua những chú rô đồng to mẩy cỡ ba bốn ngón tay ghép lại, chúng vẫn còn sung sức bạnh mang tranh nhau bò trườn quanh mẹt với đủ loại cá nước ngọt, nước lợ chen nhau.

Đi chợ về, mệ mang cá ra khoảng sân cạnh giếng trước nhà, tỉ mẩn cắt vi đánh vảy, lấy hết mang ruột và xát muối loại bỏ nhớt tanh. Mớ cá rô đồng đâu chừng dăm con đã sạch sẽ được xếp ngay ngắn vào chiếc rổ tre cỏn con cho ráo nước. Mệ nhóm bếp củi, bắc chiếc chảo gang chiên sơ hai mặt cá, cẩn thận không để cá bị quá lửa mà khô lớp thịt ngoài.

Xong công đoạn đó, mệ gắp cá ra khỏi chảo, lại cho vào chiếc nồi nhôm đơn vừa đủ trải cá đều một lớp. Loại nồi be bé này sản xuất ra có lẽ để dùng cho người sống một mình như mệ.

Trong nồi cá, mệ cho vào vài củ hành hương và ớt tươi đập dập, rồi nêm mắm muối tiêu mì chính. Gì thì gì, mệ sẽ tuyệt đối không cho đường vào đó, bởi tôi chẳng thích ăn cá rô đồng kho có vị ngòn ngọt. Nêm nếm xong thì ướp ủ thêm khoảng 15 phút. Trong thời gian chờ, mệ không ngơi tay đâu, mệ sẽ vo gạo thổi cơm.

            Bắc được nồi cơm và cá lên bếp thì mệ ra vườn nhặt rau. Vườn rộng, rau trồng theo luống và rau mọc hoang chen chúc nhau mà xanh tốt. Nhoắng cái, mệ đã có trong tay nắm rau tập tàng mơn mởn. Mệ rửa đi rửa lại mớ rau đến năm lần bảy lượt cho thật sạch mới thôi.

Trở vào bếp thì cơm vừa sôi tới, nắp vung nây nẩy trên miệng thở ra những làn hương trắng thơm dịu gạo quê. Nồi cá kho cũng chỉ còn xâm xấp bề mặt, mệ chêm thêm nước và bớt lửa, chỉ cho cháy liu riu.

Mớ than hồng trên bếp được mệ gạt gọn ra cạnh bên dành chỗ để bắc nước luộc rau. Trong nồi nước, mệ cho thêm vài hạt muối sống để rau giữ được màu xanh tươi hút mắt.

Mở nắp vung nồi cá kho, một mùi thơm ngào ngạt tỏa khắp gian bếp lộ thiên, tung tăng theo gió để làm khổ những cánh mũi thinh thính dỏng lên hít hà, chiếc bụng cũng theo đó mà rì rầm sôi. Trái táo nơi cổ tôi bắt đầu lên xuống với cường độ nhanh dần, mệ biết hết, mắng yêu: “Cha mi, xấu cái nết ăn, mãi không bỏ được!”. Mệ nói thế thôi chứ đang vội vội vàng vàng bày mâm bát để soạn cơm, bởi đứa cháu đích tôn mệ thương quý đang nuốt nước bọt thèm thuồng.

Trên chiếc mâm đồng sắp thành đồ cổ được lau chùi và sử dụng thường ngày nên lên màu sáng bóng, mệ bày biện một đĩa rau luộc, một đĩa cá rô đồng kho theo bí quyết, một chén nước chấm lấy từ nước cá kho và vắt thêm chanh, một tô nước rau xanh mát nêm nếm gia vị vừa dùng, bên cạnh mâm là nồi cơm đặt trong rế mây nguyên sợi nhẵn bóng tháng năm.

          Nhà mệ nghèo lắm nên chẳng có bàn ăn đâu, mâm cơm đặt trên nền đất nện chặt đen tuyền bóng nhẩy thời gian. Tôi và mệ ngồi đối diện nhau trên hai chiếc đòn tre, phải hơi khom người để ăn cơm.

Lần nào cũng vậy, sau lời mời cơm, mệ xới liên tù tì cho tôi đến bốn năm chén, trong khi mệ móm mém mãi chưa xong một chén. Cuối nồi là lớp cháy vàng ươm, mệ xén cho tôi một phần vào chén. Lúc này, tôi không dùng đũa nữa mà chuyển sang ăn bốc. Cho miếng cháy vào lòng bàn tay vẫn còn hôi hổi, khéo léo nắm đảo liên tục thành khối dẻo thơm, lấy một ít nước cá kho vào chén rồi chấm cơm và nghe âm thanh rào rạo nhảy múa trong vòm miệng, đậm đà khéo mà nuốt cả lưỡi.

Mệ tôi thành người thiên cổ hơn chục năm nay nhưng căn nhà đơn chiếc và chái bếp lụp xụp của mệ hiện vẫn còn. Mỗi lần về quê, tôi lại chạy xuống đó, lại nghe thoang thoảng đâu đây tiếng cơm sôi, trái táo trên cổ theo thói quen lại lên xuống nhịp nhàng mà khoé mắt rưng rưng.

Sau này, dù ăn nhiều món được liệt vào hàng sơn hào hải vị, tôi vẫn chưa bao giờ thấy ngon miệng và “nhớ dai” dư vị như món rau luộc chấm nước cá kho của mệ. Tôi mới ngộ ra, mâm cơm đơn sơ của mệ chứa đựng những gì thân thuộc nhất, trở thành món ngon “tạc tượng” trong lòng tôi. Bởi trên đó có cả cánh đồng làng, có khu vườn tuổi thơ, có con sông quê tung tăng tôm cá, và đặc biệt là ăm ắp tình cảm máu mủ ruột rà… Tôi gọi những ký ức lấp lánh yêu thương đó là hồn cốt quê hương, nhắc nhở tôi mỗi ngày phải học làm người cho đúng nghĩa./.

Lê Hải Kỳ