Nắng lên hong bánh quê nhà

Thực phẩm Bếp Việt
Th 2 19/09/2022

Khi tiết trời bắt đầu se se gió Chạp, thì những bà, những mẹ ở quê tôi lại bắt đầu một mùa làm bánh tráng Tết. Loại bánh được tráng từ củ mì ngâm nên có vị đằm gió, đằm sương với cái nắng cuối năm hanh vàng như mật. Tất cả những hình ảnh ấy đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành ký ức đẹp mà tôi luôn mang theo bên mình từ lúc ấu thơ cho đến tận bây giờ.

Để có một mẻ bánh láng đều, bước qua những ngày đầu tháng Chạp mẹ đã nhờ bố và các anh đi nhổ mì ngoài ruộng đem về. Mẹ chọn trong đống mì đó những củ mì to, tròn, mập, bởi đó chính là những củ mì chắc bột. Tất cả được gọt vỏ rửa sạch, ngâm trong chum và thay nước đủ chín chiều. Phải làm đúng như thế mới có được những mẻ bột ngon. Khi bột mì nhão ra, mẹ tỉ mỉ lọc hết sợi dăm tim nằm trong ruột củ thì lấy bột ra phơi.

Qua rằm tháng Chạp, việc chuẩn bị nguyên liệu đã xong thì tiếp đến phải chọn ngày tráng bánh. Theo kinh nghiệm, vào buổi hừng đông, cha nhìn ráng sớm phía chân trời hay những canh sương nghe tiếng vạc kêu để đón tiết trời mưa hay nắng. Ngày tráng bánh, buổi sáng ấy, mẹ dậy từ khi những tiếng gà đầu tiên gáy để nhóm lò đỏ lửa. Đối với những gia đình nông thôn ở vào những năm đầu của thập niên 90, lò tráng bánh là một vật vô cùng thân thuộc và gần gũi. Chúng đắp bằng gạch nung kèm với đất sét ruộng trũng ở làng.

Để có một mẻ bánh dự trữ ăn Tết, mẹ phải thức khuya dậy sớm. Thức khuya để chuẩn bị đầy đủ vật dụng, dậy sớm để tráng được những mẻ bánh đầu tiên và tranh thủ phơi trong cái nắng hiếm hoi của ngày cạn Chạp. Trên lò, mẹ bắc một nồi cả và sau khi châm nước vừa đủ, mẹ khéo léo phủ lên miệng nồi một vuông vải mỏng mà chắc chắn, cột lại gọn gàng. Khi nước bắt đầu sôi, làn khói trắng bốc nghi ngút qua tấm vải mỏng cũng là lúc đổ bột lên. Mẹ cầm một chiếc muôi lớn múc bột nhanh tay trải đều lên tấm vải. Thoạt nhìn thì đơn giản vậy song để có một chiếc bánh vừa ý thì là cả một nghệ thuật. Người nào đã quen tay thì khi múc, trăm lần như một, lượng bột trong muôi hầu như không thay đổi. Hơn nữa, họ chỉ cần đảo tay một vòng thì bột đã dàn đều lên vuông vải. Và như vậy chiếc bánh sẽ không có vân hay chỗ lồi lõm. Khi lượt bánh đầu tiên lên giàn thì những tia nắng ban mai cũng mới bắt đầu. Vườn quê rộng, thoáng đãng và không bụi nên phơi bánh rất an toàn. Bánh càng bắt nắng thì càng khô giòn, đẹp mắt.

Cha cũng chuẩn bị mài con dao thật sắc, chọn những vỉ bánh vừa đượm nắng, ráo dẻo đều ở hai mặt thì thu vào cuộn tròn cắt thành từng sợi nhỏ. Vào buổi sáng mùng một, mẹ sẽ lấy một ít mỡ để dành cho dăm ba ngày Tết, xào với bún xắt như một món khai vị đầu xuân. Món ăn dân dã, nhưng rất đặc trưng bởi vị béo thơm mùi mỡ, mùi của bột mì ngâm nhưng trên hết đó chính là vị của những chắt chiu thơm thảo quê nhà! Để rồi sau này, dẫu đủ đầy no ấm, vẫn cứ nhớ thương vời vợi một khoảng trời hừng lửa và thơm mùi bánh tráng mì ngâm thuở nào.

Thời gian đi qua như cơn gió thoảng, tôi cũng đi qua bao nhiêu cái Tết, dẫu thiếu thốn trăm bề nhưng luôn đằm thơm mùi khói bánh. Và những sáng xuân cả nhà quây quần bên chiếc kiềng bếp ba chân bám đầy muội than rực lửa. Cha nướng những chiếc bánh tráng, lật trở đều tay. Chúng bắt than hồng nổ thơm trong gió xuân se lạnh. Mẹ bẻ bánh ra và chia đều cho từng đứa, rồi chúng tôi chấm vào chén mỡ đun nóng béo thơm từ chính tay mẹ làm. Niềm hân hoan thơ bé nơi gian bếp xưa là một phần ký ức tươi đẹp nhất, nhắc nhớ chúng tôi sống giản dị và khiêm nhường trong mỗi chặng đường đời.

Tôi còn nhớ, những năm mưa thuận gió hòa, mẹ chắt chiu đong đếm vụ mùa lo đủ cái ăn đến ngày giáp hạt và còn dành phần lại một âu mật mía đã kết tinh thành đường. Mẹ cẩn thận nhét đầy bã mía bên dưới đáy, để mật chảy ra ngoài chỉ còn lại tinh đường vàng màu hổ phách. Số mật đó mẹ trộn vào phần bột mì ngâm, tráng lên sẽ cho ra loại bánh đường dẻo thơm, ngọt ngon đầu lưỡi. Đó là món bánh Tết ngon nhất, mong đợi nhất suốt cả thời thơ ấu của một thuở còn đói nghèo, chật vật.

Bây giờ về làng hầu như không còn những lò bánh thủ công nữa. Tới mùa, xe thu mua mì vào tận ruộng để chở về nhà máy. Chỉ có mẹ vẫn miệt mài chọn những củ sắn no tròn, chắc bột, miệt mài ngâm giã để kịp nắng tháng Chạp lên lại đỏ lửa một lần tráng bánh dự trữ ăn Tết. Chỉ có mẹ vẫn cứ dặn dò cháu con dù mùa nào cũng phải che nắng, che mưa lò tráng cẩn thận. Đó cũng là sự nâng niu, lòng tri ân của các bà, các mẹ cho vật dụng gắn bó với cuộc sống chân quê của mình.

Thế nhưng năm rộng tháng dài, đôi tay sạm nắng gió sương của mẹ cũng đến lúc không còn chắt chiu đong đếm vụ mùa được nữa. Tôi về ngang Chạp thấy rưng rưng khi khói bếp bay lên len đầy tóc mẹ. Bên chái hiên nắng xuân chớm vàng như mật. Tôi sẽ thay mẹ khơi lò đỏ lửa, sẽ đợi nắng lên hong mẻ bánh đầu tiên, hong lại vị đằm gió đằm sương của chiếc bánh bột mì ngâm hằn những nan tre của vỉ đan nong mốt, hong lại cả một ký ức tuổi thơ bình dị, ấm áp và trong trẻo đến vô ngần!.

Nguyễn Văn Hòa     

 Tags: