"Mùi Tết" thân thương nơi bếp mẹ

Thực phẩm Bếp Việt
Th 3 14/02/2023

         Những ngày cuối cùng của tháng chạp đang vơi dần. Nhìn dòng người hối hả ngược xuôi buổi chiều cuối đông hoàng hôn đang dần tím ngắt phía chân trời, phố phường như reo ca bởi những bông đào hồng tươi, bởi những trái quất vàng ươm lúc lỉu. Xuân đang về với bản tôi thật rồi. Bản tình ca mùa xuân đang đưa tôi về nhà đón một cái tết đoàn viên với mẹ.

          Dù là những cái tết của ngày xưa hay ngày nay thì trong căn nhà đậm mùi hoài niệm, đầy vị tình thân bếp nhà tôi luôn đỏ lửa ấm nồng. Trưa 30 tết Quý Mão, cả nhà tôi vừa bước vào sân nhà mẹ đã thấy không khí tết tràn ngập không gian. Mùi thơm ngào ngạt của nồi bánh chưng trong bếp mẹ đang rực hồng cháy đượm. Mùi của nồi thịt kho đông mẹ vừa nhấc xuống, bên chái bếp hình ảnh của những quả nem chua thắm vị đợi chờ đàn con xa nhà của mẹ đang nghiêng mình hóng gió xuân. Trong nhà mùi nhang trầm phảng phất, mùi thành kính thiêng liêng. Thắp nén nhang lên bàn thờ bố để báo tin “chúng con đã về”. Bố cười hiền như tỏ ý bởi: “Các con phải thay bố hàng năm về bầu bạn, đón một cái tết đoàn viên cùng mẹ để bà ấy bớt tủi”. Bỗng thấy khóe mắt cay cay.

          Nếp nhà mẹ từ ngày chúng tôi còn nhỏ đến giờ vẫn vậy. Chiều 30 tết, mẹ đã chuẩn bị nồi cây mùi già đang tỏa khói nghi ngút mang theo cái mùi thơm nồng nàn để chút nữa những đứa con, đứa cháu của mẹ sẽ được tắm rửa gột sạch những xui rủi của năm cũ. Để bọn trẻ như chúng tôi những ngày ấu thơ sẽ khoác lên mình những tấm áo thơm mùi vải mới chứa đựng sự may mắn cho năm mới tròn đầy. Mấy chị em miệng ai cũng tíu tít kể chuyện này, chuyện nọ cùng quây quần chuẩn bị nốt những món ăn truyền thống của gia đình cho mâm cơm tất niên dâng lên bàn thờ gia tiên đã được mẹ sắp đặt thật trang hoàng, ấm cúng. Bếp nhà tôi thơm lừng mùi canh măng, canh khoai sọ, mùi thịt đúc trứng rán, mùi gạo mới của chiếc bánh chưng xanh,… Cậu út đang chặt thịt gà bày lên đĩa, con gà trống cựa mẹ chăm chút nửa năm để dành ngày Tết, mùi thơm từ đĩa đĩa xôi đỗ ánh vàng tròn đều mây mẩy mẹ đơm, đĩa giò tai cùng bát thịt kho đông chuẩn vị tết Bắc. Nghe trong gió xuân có mùi thơm chua dịu của đĩa hành đơn sơ, giản dị, khiêm nhường mẹ tự tay muối được chị Hai múc ra khỏi vại. Mùi hương trầm phảng phất khắp không gian, mùi Tết đến thật diệu kì, vừa nồng nàn lại thắm tình đoàn viên thiêng liêng ấm cúng. Vậy mà cũng gần 14 năm có lẻ, mẹ là người thay bố làm công việc trọng đại nhất của một năm đó là dâng lên gia tiên các cụ tấm lòng thành kính của con cháu bằng mâm cơm tất niên thắm tình đoàn viên ấm cúng. Mùi nhang trầm vẫn vít, mùi của ký ức, của sự đoàn viên lan tỏa khắp không gian, tiềm thức mỗi người. Bữa cơm tất niên cả nhà quây quần thưởng thức vị Tết, hương vị tình thân. Cả nhà vừa ăn vừa trò chuyện niềm vui dâng tràn. Bọn trẻ lại được nghe bà kể chuyện “ ngày xưa” với đôi mắt ngân ngấn nước đầy hoài niệm cùng niềm hạnh phúc vô bờ về “ông ngoại các con” mãi chẳng chán, được chờ cùng cả nhà đón đêm giao thừa ấm áp hương vị tình thân trong tiết trời Xuân mưa lây phây lắc rắc. Thời khắc ấy cả nhà đoàn tụ và cùng dành ra một khoảng thời gian để tưởng nhớ đến: “Người đã thổi hồn và gìn giữ những nét đẹp văn hóa của gia đình của dân tộc ”,…

Xuân Quý Mão đã về, chúng con vẫn yêu mùa xuân, yêu cái dáng tần tảo sớm hôm rịn đầy mồ hôi trên má mẹ, nhưng con lại có cả nỗi sợ chơi vơi không nói thành lời, nỗi sợ khi mùa xuân đến sẽ làm khuyết lẹm dần đi mùa xuân đời mẹ

Mẹ ơi! Chúng con hi vọng mỗi năm tết đến xuân về chúng con đều được đón một cái tết đoàn viên trong căn bếp đơn sơ nuôi dưỡng cả tuổi thơ chúng con bên mẹ, bởi: “Quà nào bằng gia đình sum họp – Tết nào vui bằng Tết đoàn viên”. Để rồi những ngày cuối năm ấy chúng con lại được nghe câu hỏi bao năm mẹ nói hoài không chán: “Hăm mấy bây về?”.  Được ngồi trong căn bếp đong đầy ký ức, sống lại những hoài niệm của tuổi thơ. Được sà vào lòng mẹ mà mong mình được bé lại để cảm nhận hơi ấm của tình mẫu tử. Được mẹ vỗ về những đứa con mãi chẳng chịu lớn. Được cùng mẹ tạo nên bao món ăn cổ truyền của gia đình từ nếp nhà xưa cũ những ngày còn bố. Phải chăng đó cũng là một bài học mà bố mẹ đã khắc sâu vào tiềm thức chúng tôi những nét đẹp truyền thống của quê hương, đất nước về một cái Tết đoàn viên của dân tộc? Rồi lại thêm một lần được cùng mẹ nhóm lên những tia sáng của tình yêu để được chia sẻ yêu thương, được nghe mẹ nhắc nhở cội nguồn, tình thân, sum họp quây quần.

Phạm Thị Yến