BÁNH GÓI GÓI TRỌN YÊU THƯƠNG

Thực phẩm Bếp Việt
Th 7 08/10/2022

Có một loại bánh dân dã đã trở thành món truyền thống của quê hương tôi và cũng là sinh kế nuôi sống bao người lao động nghèo, trong đó có bà tôi. Thân thương món bánh tôi xin gọi tên: bánh gói.

"Đói thì ăn bánh gói!"

Người dân quê thường hay bảo thế. Mà tôi thấy đúng thật. Bánh gói rẻ, dễ ăn là món điểm tâm tuyệt vời của mấy chị công nhân, mấy bác nông dân. Với người thôn quê ăn lót dạ sơ sơ thế là được rồi. Hồi kia ăn năm cái 5 ngàn còn bây giờ đi theo giá cả hai cái 5 ngàn. Dẫu có tăng giá nó vẫn được mọi người mua ăn mỗi ngày. Mà người ta thích nhất là bánh bà tôi bán. Họ ăn vì bà tôi đã khéo léo thổi hồn cái nét giản dị của vùng quê vào từng cái bánh một cách rất đặc biệt. Vùng quê chỉ thích bình dân, chất phác không thích cao sang gì quá.  Họ ăn vì bánh bà tôi làm rất ngon. Bà làm nhân bánh vừa ăn không lạc hay quá mặn mà cũng không nhão luôn. Họ ăn vì họ cảm được trong những cái bánh gói ấy gói trọn cả yêu thương.

Có quan sát bà tôi làm mới thấy sự cẩn thận, chăm chút từng li từng tí ở mỗi công đoạn làm bánh. Từ chỗ đi chọn lá chuối xanh mướt cho đến đôi tay khéo gói bánh là cả tâm huyết làm nghề mấy chục năm dù thu nhập chẳng bao.

Để làm ra bánh gói nguyên liệu cũng không có gì đặc biệt lắm đâu. Chỉ gồm có:

- Đậu xanh

- Bột gạo

- Bột năng

- Hành lá cắt nhỏ

- Đường, tiêu, muối

Đậu xanh mua về bà đãi thật sạch. Để cho sáng hôm sau kịp bánh bán, bà ngâm đậu qua đêm cho nó mềm và nở.

Sáng ngày dậy sớm bà nhóm lửa đổ đậu vào nồi nước nấu. Đậu chín bà bắt lên chảo cùng với một muỗng dầu ăn, muỗng hành lá cắt nhỏ đảo qua đảo lại xào cho thơm thiệt thơm đến lúc đậu khô quyện lại thì thôi.

Tiếp đến công đoạn làm bột bánh.

Tôi thấy bà cho bột gạo nè, đường, tiêu và muối nữa nè. Cả hỗn hợp được khuấy đều theo bàn tay thoăn thoắt của bà tôi nhìn mà thích mê. Tiếp theo bà cho thêm bột năng vào khuấy đến khi hòa tan đồng nhất một màu trắng trong. Bắt lên bếp nấu, bật lửa nhỏ. Tay bà lại khuấy khuấy cho đến khi bột thành khối.

Giờ tới khâu gói, hấp bánh.

Bà cho một ít hỗn hợp bột vừa rồi trải lên giữa lá chuối rồi múc đậu xanh rắc lên. Gói lá chuối lại thật gọn, đẹp bà cho vào nồi hấp khoảng 15-20 phút. Bánh chín bà vớt ra. Vậy là có một món bánh ngon rồi đó.

Chiếc bánh giản dị mà ngon

Mỗi sáng bà làm cả trăm bánh cm vậy đó. Bà cho hết vào hai cái trạc rồi đôi vai gầy ấy gánh đi khắp xóm làng rao giọng thật to, rõ : “Ai... bánh gói không ...?”

Nghe giọng quen người ta chạy ra ngõ mua ăn mà không cần đi đâu xa. Có những người đứng đợi để khi bà đi qua là mua ngay vì sợ ra trễ sẽ hét. Ngộ vậy đó. Món ăn không có gì đặc biệt mà đắt như tôm tươi.

Thưởng thức khi còn nóng mọi người sẽ thấy ấm lòng buổi sớm biết bao. Bánh mềm thơm hòa cùng vị bùi của nhân đậu xanh, chút béo béo của dầu phải nói là hết ý. Không cao sang, không màu sắc đẹp mắt mà chỉ giản đơn một chiếc nhỏ nhắn vậy thôi. Bấy nhiêu cái dung dị ấy cũng làm người ta ghiền rồi. Bấy nhiêu vị hương ấy cũng làm cho những ai xa quê thấy nhớ nhớ rồi bồi hồi xao xuyến mỗi khi vô tình bắt gặp ai đó bán món ăn quê nhà nơi phố thị. Những lúc ấy chỉ muốn chạy ngay về quê để tìm hương vị xưa thôi.

Thưởng thức vị hương quê nhà

Dù thời gian có trôi đi đưa con người bước vào thế kỷ hiện đại với bao món ngon vật lạ, bánh gói không bao giờ mất đi giữa dòng đời vội vã này. Nó luôn hiện diện đâu đó ở những con đường làng, những hè phố với hình ảnh người bán hàng rong gánh gánh rao bán mỗi ngày. Hình ảnh in bóng nắng với nụ cười đẹp và đôn hậu của các bà, các cô đại diện cho nét đẹp của phụ nữ Việt Nam trong cuộc sống hằng ngày.

Hằng ngày gánh bán đó đây

Mấy đồng rau cá đắng cay cuộc đời

Nghề này quen thuộc một thời

Nay vẫn lặng lẽ giữa đời mưu sinh

Tuy nghèo mà đượm nghĩa tình

Người mua kẻ bán mắt nhìn mến ưa

Bánh gói ai đã ăn chưa

Màu xanh lá chuối nắng mưa thắm hoài…

Trần Vân Lộc (Bút danh: Yêu Thương)