BÁNH THUẪN MẸ NƯỚNG - HƯƠNG VỊ CỦA KÝ ỨC…

Thực phẩm Bếp Việt
CN 09/10/2022

“Sống ở đời, người ta dành tình yêu thương cho mình, mình phải biết quý trọng, Tết là ở trong lòng, mình vui và người khác vui nghĩa là Tết.”

Nơi miền nắng gió, đất đỏ bazan có những rẫy cà phê bạt ngàn, hoa nở trắng xóa khắp triền đồi. Ly cà phê chất phác, mộc mạc, hương khói bảng lảng. Mỗi vùng miền đều có nét văn hóa độc đáo riêng. Tôi đã đi mọi nơi, làm việc ở nhiều môi trường khác nhau. Nhưng tôi không thể rời bỏ vùng đất Buôn Ma Thuột, sở dĩ vùng đất nhiều màu sắc sử thi là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Với tên gọi Buôn Ma Thuột, Ban Mê Thuột hay Buôn Mê Thuột đều đẹp và gần gũi với lữ khách khi đặt chân đến miền đất này.

Khi lên xe lên Tây Nguyên, lơ xe hỏi khách đi đâu đấy? Lữ khách, hay tôi đều trả lời tắt “Tôi lên Buôn Mê, hoặc tôi lên Ban Mê”, tạo một cảm giác rừng núi, hoang vu, dân dã, chứ không ai nói “Tôi lên Buôn Ma” bao giờ. Nhưng khi đặt bút viết Buôn Ma Thuột, Buôn Mê Thuột hoặc Ban Mê Thuột đều chính xác. Đó là nét đẹp văn hóa ngôn ngữ địa danh đặc trưng.
Sống ở Buôn Ma Thuột từ nhỏ, mỗi khi Tết đến tôi lại nhớ món bánh thuẫn mẹ tôi nướng trên bếp than hồng. Uống một ly cà phê kèm với bánh thuẫn se se lạnh vào buổi sáng thì còn gì hạnh phúc hơn. Gia đình tôi có truyền thống làm cà phê, nên mỗi khi khách khứa tới chơi, nhà tôi đều mời cà phê và bánh thuẫn. Hồi đó bánh kẹo chưa bày bán phong phú trên thị trường như bây giờ, mà nếu có cũng xa xỉ, đắt đỏ không mua nổi. Cà phê năm được mùa thì rớt giá, năm được giá lại mất mùa. Cuối năm thu hoạch thương lái tới mua, cầm số tiền còm cõi trên tay, nhà tôi cũng chỉ đủ trả nợ phân bón, xăng dầu, tưới tắm cây trồng vào lúc mùa khô, đóng học phí cho mấy anh em tôi học hành,…

Tuy vất vả, khổ sở nhưng hồi đó Tết rất vui. Từ ngày 23 tháng Chạp trở đi, mẹ tôi nấu chè đỗ xanh rước Ông Táo về trời, nồi chè đỗ xanh thơm lừng cây nhà lá vườn. Sau đó chuẩn bị nguyên liệu để nướng bánh thuẫn. Tôi còn nhớ lúc đó mẹ tôi sang nhà hàng xóm mượn khuôn đúc bằng đồng màu đen, mẹ đặt trên bếp than hồng, trong khuôn là hình 12 bông hoa. Mẹ đánh bột cho tơi nhuyễn. Dùng cọ chuối phết dầu ăn vào 12 bông hoa đó, và múc bột lần lượt vào từng bông, đậy vung lại, chờ ít phút sau, mở vung ra, những bông hoa nở bung, vàng giòn, thơm phưng phức. Vì thiếu thốn, khó khăn nên hồi đó nhà hàng xóm làm bánh trái phải dè sẻn để dành Tết mới được ăn. Nhưng riêng mẹ rất thương và rộng lượng với tôi, mẹ bảo “Con cứ ăn thoải mái, ớn thì thôi”. Mấy bác láng giềng qua nhà tôi chơi, thấy thế liền ghẹo “Bánh mẹ làm để Tết mà cứ ăn vậy?”. Mẹ tôi xuề xòa cười.“Kệ!Nó thích cứ để cho nó ăn, làm để ăn mà”.

Sau này, nhiều cái Tết trôi qua, tôi thường nhắc lại kỉ niệm cũ với mẹ. Mẹ chỉ tủm tỉm “Sống ở đời, người ta dành tình yêu thương cho mình, mình phải biết quý trọng, Tết là ở trong lòng, mình vui và người khác vui nghĩa là Tết”. Câu nói này mẹ đã dạy tôi, đến giờ tôi đã trưởng thành, vẫn còn nhớ mãi, cho dù đi đâu, làm gì trên đường đời, cũng phải suy nghĩ, nhìn trước, ngó sau.

Còn có những mùa xuân của tuổi mới lớn. Hồi đó cứ đợi đến giáp Tết, tôi lại háo hức để dành tiền ăn sáng mua báo Hoa học trò Tết để đọc. Báo Tết là số đặc biệt nên báo tăng trang dày dặn hơn số thường, báo đính kèm một đĩa nhạc CD xuân hấp dẫn, poster nghệ sĩ khổ lớn, một tờ lịch xinh lung linh. Những số báo Tết, tôi vẫn con lưu trữ đến giờ. Thỉnh thoảng, tôi vẫn lấy báo ra ngắm nghía, ôn lại kí ức xuân, xem mình đã trải qua năm tháng tuổi trẻ ngây ngô, dại dột thế nào…

Một buổi sáng yên tĩnh mùa xuân. Trước sân, những bông hoa hồng trên hàng rào nở bung sắc thắm lúng liếng dưới ánh mặt trời tươi phơi phới. Bên hông nhà đàn sẻ hót líu lo trên tán cây cà phê. Tôi ngồi dưới hiên nhà. Nghe nhạc xuân, uống cà phê tự pha nóng hổi, nhâm nhi một chút bánh thuẫn, đọc báo Hoa học trò, đâu đây hương vị núi rừng, “cây nhà lá vườn” thoang thoảng, bảng lảng nơi sóng mũi, đọng lại trong tôi cảm giác an yên và hạnh phúc.

Xuân năm nay lại về trên miền đất đỏ bazan, tôi may mắn được làm việc gần nhà. Tôi chở mẹ đi chợ, không còn thấy món bánh thuẫn đâu, thay vào đó là giỏ quà Tết nhiều màu sắc sặc sỡ. Tôi cảm thấy nhung nhớ, một kí ức Tết trôi xa, một cảm giác mơ hồ, mất mát mà tôi không thể hình dung được.

Với tôi, Tết không phải là sắm sửa nhiều quần áo đẹp, nhiều thức ăn ngon, mà đơn giản là gia đình đoàn viên, cảm xúc đong đầy. Một mâm cơm có đầy đủ các thành viên trong gia đình, cây mai bung sắc vàng rực rỡ ngoài sân. Tết nghĩa là đẹp trong lòng người.

Lò Duy Bưu