BẾP QUÊ THƯƠNG NHỚ

Thực phẩm Bếp Việt
Th 4 21/09/2022

          Có một mùi hương mà chỉ những người xa quê ai cũng thương cũng nhớ, đó là mùi quê nhà. Mùi bùn đất ruộng quê, mùi ngai ngái phù sa trên dòng sông đục ngầu, mùi mạ non, mùi trái chín, mùi của quê hương, mùi của sớm hôm tần tảo. Mùi m hôi của cha, mùi nắng cháy trên mái đầu của mẹ, mùi bếp củi than bay lên vương vít không gian vườn nhà. Chái bếp ấy là vương quốc riêng của mẹ. Nơi tạo hương, tạo vị, tạo hình cho những món ăn tuy đơn gin, mộc mạc nhưng để kí ức thật sâu thật đậm trong lòng người.

Cuộc đời con người ai cũng có riêng cho mình một vùng trời kí ức. Đó không phải là hình ảnh rực rỡ hào nhoáng, bình dị mà đậm sâu trong trí nhớ. Bình dị mái nhà quê hiền hòa mát rượi bóng cây lúc nào cũng được dọn dẹp tươm tất, sạch sẽ. Bình dị thôi chum đựng lúa dựng bên hè mấy chục năm rồi vẫn nằm ngay ngắn. Bình dị thôi với hình ảnh chú mèo lười nằm sưởi nắng ngủ say sưa quên cả đất trời. Bình dị thôi với những buổi chợ sớm mai được mẹ dắt theo thao láo mắt trông vào hàng bánh trái. Bình yên nhất mà người xa quê đau đáu nhớ về chính là làn khói trắng bay ra từ trong chái bếp rồi len vào trong lá cây, mùi khói cay cho những bữa cơm ngọt ngào, yêu thương.

Hình ảnh mà người ta rung động nhiều nhất là hình ảnh lom khom của bà của mẹ đang lui cui nấu cơm trong bếp chế biến những món ăn “cây nhà lá vườn”. Những món canh, món xào, món luộc đơn giản. Đi làm về mà nhìn bàn cơm canh đã sẵn thì mọi mệt mỏi dường như tan biến hết. Cả nhà thưởng thức bữa cơm ngọt lành, mùi vị của đồng quê của tình thân gia đình.

Những ngày gia đình có đám tiệc, chái bếp rộn ràng hẳn lên. Ngoài vòi nước là những ch em đang lặt rau rửa rau, sơ chế thịt cá. Trong bếp là những đu bếp “chính hiệu” quê trổ tài để nấu những món ngon. Đây nồi khổ qua dồn thịt, nồi gà kho làm nhưn mì, chảo trứng vịt đúc đầy hành tiêu, chảo đậu tây xào, nồi xôi dẻo thơm, bánh tráng nướng giòn rụm. Chái bếp rộn ràng củi lửa, tiếng lao xao của các bà, các mẹ, cô dì, chị nói chuyện với nhau. Tất cả những hình ảnh ấy, âm thanh ấy có sức mạnh giúp bao người vượt hàng trăm cây số để về quê, hòa mình vào không khí gần gũi đầy thương nhớ.

Chái bếp quê chứa cả một bầu trời tuổi thơ. Cái chạn chén, cái khạp gạo, những cái sàng, nia thúng treo quanh trở thành hình ảnh xưa cũ thân quen. Những bà mẹ quê tuy lam lũ, vất vả nhưng vẫn đảm đang khéo léo, từ đấy cho ra nhiều món ngon khó cưỡng lại. Chái bếp mỗi nơi mỗi khác, có cái kiên cố cầu kì, có cái thì đơn giản đơn sơ. Bếp củi tro than nhưng lúc nào cũng được chăm sóc kĩ lưỡng nên bụi bẩn không có cơ hội.

Trong bếp luôn có cái gạc-măng-rê dùng để cất trữ thực phẩm, gia vị, dụng cụ nấu nướng… Nó được thiết kế thành một dạng tủ kệ chia nhiều tầng, nhiều ngăn, dùng để đựng bát đĩa, xoong, nồi, thức ăn. Nhớ lúc còn thơ, sau giấc ngủ trưa, việc đầu tiên là xuống bếp mở ra để coi bữa nay mẹ có mua gì ăn xế không. Bữa nào không có là cái mặt tiu nghỉu. Cái gạc-măng-rê có cái mùi rất riêng, cái mùi gỗ cũ ám khói, pha lẫn mùi thức ăn, thực phẩm các loại trong cái nóng oi bức của miền Trung nắng gió. Ấy vậy chứ mỗi lần đi đâu xa về, tôi chạy xuống bếp hít lấy hít để cái mùi quê hương, mùi quê thân thuộc.

Mỗi khi đi xa về nhà thay ngay bộ đồ hiệu bằng bộ đồ lanh, thay cơm tiệm cơm quán bằng bữa cơm gia đình nơi chái bếp đầm ấm yêu thương. Bếp quê không đơn thuần là nơi chế biến thức ăn hay cất giữ dụng cụ nấu nướng mà đó là nơi nấu lên sự yêu thương, nơi cất giữ kỉ niệm của rất nhiều người. Khi còn nhỏ vẫn lăng xăng phụ mẹ nấu ăn và hỏi đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Đó là hành trang con mang theo trong hành trình bôn ba nơi xứ lạ.

 
  

Bếp quê là nơi cho con no bụng vững chân bước vào đời và luôn âm thầm chờ đợi con trở về để ăn no căng bụng vơi bao lo toan mệt nhoài của cuộc sống. Xếp gọn hành trang con quay về nhà để đi chợ mua con cá, ra vườn hái rau rồi nhóm lửa nấu lên bữa cơm quê ngọt ngào tình xứ sở.

Nhớ quá những buổi chiều từ trong chái bếp làn khói nhẹ bay ra mang theo hương thơm của những món ăn, mới nghĩ đến thôi mà bụng dạ cứ cồn cào:

Thương hoài chái bếp quê xưa

Cơm canh dọn sẵn con chưa thấy về.

Phạm Thị Mỹ Liên     

 Tags: