CANH RAU TẬP TÀNG ĐONG ĐẦY KÝ ỨC

Thực phẩm Bếp Việt
Th 2 19/09/2022

Tiết trời bắt đầu sang thu, màn sương sớm giăng giăng tứ phía, khi những tia nắng mai còn đang ngái ngủ vén “đám mây mùa hạ – vắt nửa mình sang thu” cũng là khoảng thời gian tôi để tâm hồn mình thả trôi, hòa cùng thiên nhiên mây trời. Sáng sớm ngày cuối tuần có dịp về thăm bà ngoại cái không khí yên bình khiến tôi rưng rưng đến lạ. Khung cảnh ấy gợi bao ký ức của tuổi thơ tôi ùa về.

Cái tuổi thơ của biết bao nhọc nhằn in hằn trên đôi vai gầy của mẹ, loang loáng vị mặn mòi trên tấm lưng rịn đầy mồ hôi cha. Nhìn ra mảnh vườn nhỏ, mái tóc mẹ giờ đã điểm nhiều sợi bạc, bước chân không còn nhanh nhẹn như xưa. Chỉ có đôi tay mẹ vẫn vậy, đôi tay thoăn thoắt hái lượm những đọn rau tập tàng quanh vườn nhà bởi lời hứa với con gái: “Chủ nhật này gia đình bay về với mẹ, mẹ đãi tụi bây gà mẹ nuôi, rau mẹ trồng ”. Con gái mẹ nhanh mồm miệng: “Con chỉ thích mẹ nấu món canh rau tập tàng ngày xưa thôi”. Món canh đong đầy yêu thương, gợi bao hoài niệm của những năm tháng thiếu thốn nhưng cũng chính món canh ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn mấy chị em tôi khôn lớn. Món canh giản đơn luôn được tôi khắc ghi trong tim mỗi khi nhớ về.

Rau tập tàng mẹ bòn trong vườn

Nghe cái tên “rau tập tàng” cũng đã khiến ta hình dung đó là những thứ rau chẳng có xuất xứ cao sang gì. Nhưng chỉ cần được một lần thưởng thức, đặc biệt là vào những buổi trưa hè oi ả thì chắc chắn cái dư vị thanh mát, ngọt lành của nó sẽ in sâu trong tiềm thức mỗi người. Và món ăn gợi bao thương nhớ ấy càng trở lên tròn vị nếu được chế biến từ gian bếp nhỏ đầy mùi khói bếp, được chính đôi bàn tay hao gầy của mẹ tạo ra.

Những buổi sớm mai của những năm tôi còn cắp sách tới trường, mẹ thường tranh thủ trước khi đi làm là ra vườn nhà gom góp, nhặt nhạnh những đọn, những nhành rau còn đẫm sương sớm. Chỉ một chốc lát, rổ của mẹ đã đầy ắp cơ man nào là các loại: rau sam, rền cơm, rau bươm bướm, rau càng cua, sang thêm chút là có những ngọn rau mùng tơi xanh non mơn mởn, … Một bức họa rau đầy màu sắc đã nằm gọn ghẽ trong chiếc rổ tre của mẹ. Lời của mẹ khi ấy vọng về trong tiềm thức: “Càng có nhiều loại rau được nấu lẫn với nhau thì nồi canh của mẹ sẽ thêm nhiều hương vị mà tạo hóa ban tặng chúng ta”.

Rổ rau được mẹ thái nhỏ điểm chút hành khô

Trưa về, tranh thủ khi lũ con thơ vẫn đang ở trường ê a từng con chữ là mẹ ù về đem tất cả mớ rau lộn xộn ấy rửa sạch, để ráo nước, rồi mẹ đem chúng thái nhỏ. Trong lúc thái rau mẹ đã châm lửa, nhóm bếp và đặt nồi nước mà mẹ đã nêm chút mắm khi nước còn lạnh bởi như mẹ thường dạy: “Thịt không hành như canh không mắm. Mẹ lưu ý khi nấu canh các con phải cho mắm vào nồi khi nước còn lạnh. Tránh nêm mắm khi nồi nước đã được đun sôi. Lúc đó mùi mắm sẽ rất nồng, làm át hết vị của rau”. Lời dạy của mẹ sau này đã theo tôi vào gian bếp đơn sơ mộc mạc khi tôi lớn dần. Và lời dạy ấy như kim chỉ nam giờ đây tôi truyền dạy cho cô con gái nhỏ. Khi nước sôi, mẹ nhanh tay trút toàn bộ rau vào nồi. Để lửa to cho nồi canh sôi bùng lên là mẹ nhấc nồi ra khỏi bếp (rau tập tàng nhanh chín, nếu quá lửa sẽ khiến nồi canh rau bị vàng, nồng không còn giữ được màu của các loại rau). Mẹ nêm nếm một chút bột ngọt, chút hành khô băm nhỏ. Nếu hôm nào mẹ dư giả chút tiền chợ thì nồi canh của mẹ có thêm chút con moi khô (con tép nhỏ) mẹ ngâm cho moi mềm rồi giã nhỏ cho cùng nước thì nồi canh của mẹ càng thêm hấp dẫn.

Bát canh ngọt lành mẹ nấu đãi con gái

Mùa hè có bát canh rau tập tàng mẹ nấu để nguội nhưng vẫn tỏa ra thứ mùi thanh tao, nhẹ nhàng của tổng hòa các loại rau mẹ hái ngoài vườn. Mùi thơm ấy vấn vít, đọng lại trên nụ cười của mẹ, trên mâm có thêm bát cà bố nén ăn dần những ngày mưa nắng thất thường của những ngày cuối hạ đầu thu. Hay sang hơn có những hôm mẹ thưởng đứa nào có điểm mười cô giáo cho là trên mâm cơm nhà tôi có thêm đĩa thịt thơm lừng vàng ruộm như rưới mật mía, dậy mùi hành phi là y như rằng 3 chị em tôi khi đi học về mồ hôi còn mướt mải mà trống bụng đã đánh lên từng hồi. Thằng út sà ngay vào lòng mẹ nũng nịu, đòi được mẹ âu yếm, mẹ nhanh tay đưa vạt áo đã sờn màu theo thời gian, mưa nắng mẹ từng trải để thấm mồ hôi trên trán, trên cái má đỏ lựng của nó. Chỉ một loáng, trong tiếng cười nói rôm rả của mấy chị em hòa cùng đôi mắt, ánh nhìn đong đầy tình yêu ba mẹ dành cho lũ con đang tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nồi cơm cùng thức ăn và bát canh rau tập tàng của mẹ đã bị chúng tôi đánh cái vèo. Dường như, những bữa cơm chứa chan tình yêu thương, sự hi sinh của cha mẹ ấy đã lấn át đi sự oi ả, bao mệt nhọc của cái nắng, cái gió vùng Tây Bắc xa xôi.

Giờ đây, khi các con của mẹ cũng đã lớn. Chỉ còn lại mẹ vẫn sớm hôm chăm lo cho ngôi nhà vương bao kỉ niệm: “Mẹ vẫn muốn ở lại ngôi nhà này. Ở đây mẹ vẫn thấy bố mày mỗi ngày nhỏ to với mẹ. Vẫn thấy tuổi thơ tụi bay”. Để mỗi khi chúng tôi thấy buồn, thấy chông chênh là lại chạy về xin mẹ lời khuyên, sự vỗ về. Để lại được nghe mẹ dạy về lòng bao dung, sự độ lượng. Và rồi khi sóng gió cuộc đời qua đi những đứa con ấy của mẹ lại như bầy chim tách khỏi đàn trở về vun vén cho tổ ấm của chúng.

Trải qua bao biến cố, thăng trầm của cuộc đời. Nhìn lại những năm tháng tuổi thơ mình đã đi qua tôi vẫn thấy có gì đó tiếc nuối, nghẹn ứ một cảm xúc chẳng nói lên lời. Phải chăng sự nuối tiếc trong tôi ấy chính là tuổi thơ êm đềm. Hay chính món canh rau tập tàng gợi bao thương nhớ khi xưa vẫn đang len lỏi vào chính nỗi nhớ chơi vơi trong tiềm thức của tôi cũng như bao đứa con được lớn lên từ vòng tay yêu thương của cha mẹ?

Phạm Thị Yến      

 
 
 
 
 
 Tags: