CHIẾC BÁNH ĐA CHỨA BAO LA KÝ ỨC

Thực phẩm Bếp Việt
Th 4 12/10/2022
          Cuộc sống hối hả với bao lo toan, đôi khi người ta lại thèm giây phút bình yên để lắng lòng mình tìm lại những ký ức đã xa. Hay lắm lúc, chỉ cần bắt gặp hình ảnh thân quen cũng đủ khơi gợi cả một miền nhớ thương về những tháng ngày còn bé dại. Và tôi cũng từng trải qua những khoảnh khắc như thế! Đó là lần bắt gặp hình ảnh của người phụ nữ ngồi nướng từng chiếc bánh đa bên ven đường. Hình ảnh ấy gợi tôi nhớ về người bác quá cố của mình, một người phụ nữ tảo tần, nuôi cả gia đình bằng nghề tráng bánh đa và bán ở chợ quê. Hương vị của những chiếc bánh do bác làm ngày ấy vẫn để lại trong tôi vô vàn ký ức.

         Nội tôi có cả thảy bảy người con. Gia đình của tôi và các cô chú đều sống ở đồng quê, chỉ có gia đình của bác hai là sống ở chợ. Đó là chợ xã của quê tôi. Vì là chợ quê nên nó cũng không quá sầm uất, nhưng lại thắm đẫm tình người mua bán và vẫn giữ nét riêng của một chợ quê đúng nghĩa. Nơi góc nhỏ tại chợ quê ấy có hình ảnh của người chị - con của bác hai, mỗi chiều ngồi nướng từng chiếc bánh đa trên bếp than hồng đỏ lửa để bán.

Dẫu thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, nhưng những năm tháng còn học sinh thì tôi không thể nào quên. Bởi lẽ, nó có quá nhiều kỷ niệm, kỷ niệm của tuổi học trò, kỷ niệm của những buổi trưa ghé vào nhà bác phơi giúp bánh đa. Ngày xưa, con đường làng từ nhà tôi đến trường học khoảng 3 km. Ngày ấy, đường chưa được trải bê tông như bây giờ, nên hằng ngày tôi và bè bạn cùng xóm phải đi bộ đến lớp. Có những ngày học hai buổi, tôi phải vào nhà của bác để nghỉ trưa, vì nhà bác cũng gần trường học.

Gia đình của bác tôi sống bằng nghề tráng bánh đa và bán lẻ ở chợ. Để làm được cái bánh thì vất vả vô cùng, bác phải tự ngâm gạo và xây bột. Chiếc cối đá nhà bác cũng trở thành vật thân thiết và sử dụng thường xuyên. Thường vào những ngày nắng đẹp thì bác sẽ làm với số lượng nhiều. Những chiếc bánh được tráng xong thì lấy ra đặt lên tấm phên được đan bằng tre. Buổi trưa vào nhà bác, sau khi ăn cơm xong, tôi thường phụ mang bánh ra phơi, trở mặt bánh, bánh khô thì mang vào. Nhớ những ngày đầu, khi chưa quen với việc lấy bánh, tôi thường hay làm bể, vì bánh phơi xong thường có độ giòn. Lúc ấy, bác thường động viên: con làm từ từ rồi quen à. Cái nào bể thì nướng mình ăn, bánh nào nguyên thì bán cho người ta. Bởi vậy, cứ mỗi khi về nhà, tôi đều được bác gửi đem về cho gia đình những cái bánh đa bị bể. Và chắc hẳn trong đó có những cái do chính tôi làm.

          Gia đình của bác tôi vốn khó khăn, vì nghề làm bánh cũng khá bấp bênh. Vào những ngày mưa không làm bánh được, không thể ra chợ bán, lòng tôi lại càng thương cho bác nhiều hơn. Tôi luôn mong bác làm và bán được nhiều bánh để có thêm nhiều thu nhập. Dù hoàn cảnh còn khó khăn, nhưng bác đối với con cháu vô cùng tốt bụng. Hồi đó, bác thường trách tôi: học hai buổi thì vào đây nghỉ trưa rồi ăn cơm, ăn ở ngoài làm chi cho tốn tiền. Bởi lẽ, tôi không muốn bác phải lo thêm một miệng ăn nên tôi thường ăn ở bên ngoài quán.

Tôi nhớ những buổi chiều lất phất mưa rơi, có dịp phụ chị đem bánh ra chợ để bánh. Thường thì người mua thích bánh đa vừa nướng để thơm và giòn hơn. Vì vậy, chị tôi phải đem bếp than theo và nướng bánh bán tại chỗ. Giữa tiết trời lành lạnh, ngồi bên bếp lửa, nhìn chị thoăn thoắt đôi tay để bánh đa không bị khét khi nướng mà lòng tôi nghĩ về tương lai xa xôi. Ở đó, tôi hy vọng cuộc sống gia đình bác sẽ đổi thay. Bánh đa vừa nướng xong, chị thường kêu tôi ăn vì hương vị của nó ngon hơn.

Hồi đó, trong những đứa cháu của bác, tôi là đứa duy nhất phấn đấu học, bởi vậy bác luôn động viên và hy vọng tôi tiếp tục học để có tương lai tốt đẹp hơn. Rồi tôi cũng vào đại học đúng như kỳ vọng của gia đình và của bác.

          Những ngày cuối kỳ nghỉ hè của năm thứ nhất đại học, có lẽ mãi là một mùa hè đáng nhớ của tôi với bao nỗi niềm và cảm xúc. Mùa hè sắp kết thúc, tôi phải trở lại trường tiếp tục việc học Trước khi đi, tôi đến nhà bác chơi và bác vẫn đãi tôi bằng những chiếc bánh đa nướng. Lâu rồi không được ăn, nên khi ăn lại cảm thấy rất ngon. Bác nói: Từ lúc con đi học xa nhà, không ai phơi bánh tiếp, mấy cái bánh đa bể để qua mỗi ngày thêm nhiều mà không ai ăn. Lúc ra về, bác gửi cho tôi bánh đa như thói quen của ngày xưa và bảo cố gắng học để trở thành giáo viên. Chỉ một tuần xa nhà để học, tôi đã nhận được tin bác mất vì đột quỵ. Bác đã không thể chờ ngày tôi tốt nghiệp và trở thành cô giáo. Và cũng từ đó, qua năm tháng tôi không còn thưởng thức bánh đa do chính bác làm. Cũng kể từ đó, chợ quê tôi không còn ai làm và bán bánh đa nướng vào những buổi chiều.

           Chiều nay, tôi có việc nên đi qua đường từ huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, đoạn tiếp giáp với thành phố Cần Thơ, tôi đã bắt gặp cảnh nhiều người làm nghề tráng bánh đa và nướng bánh đa bán ven đường. Tôi đã dừng xe lại và ghé vào mua vài cái bánh, vừa muốn tìm lại hương vị mà lâu rồi thưởng thức, vừa muốn tìm lại kỷ niệm của ngày xưa. Bánh vừa nướng xong vẫn thơm ngon, giòn, béo, nhưng chỉ tiếc rằng tôi không thể tìm lại vị bánh đa của bác tôi ngày xưa. Ngày ấy, bác cho tôi những cái bánh đa vụn vỡ, nhưng tình cảm của bác dành cho đứa cháu của mình vẫn vẹn nguyên, vẫn đong đầy.

Mỗi dịp giỗ, tôi đều về. Tôi về với gian nhà có kỷ niệm của năm tháng tuổi học trò. Bây giờ, tôi cũng đã trở thành cô giáo như mong muốn của bác. Tôi thèm vị bánh của ngày xưa và cả mong muốn được phơi bánh. Nếu bác còn sống và làm nghề tráng bánh thì tranh thủ nhng ngày hè tôi sẽ về phơi bánh tiếp bác. Thế nhưng, lòng chỉ ngậm ngùi: Còn ai tráng bánh để mà phơi?...

Thu Thủy