GỎI BẮP CHUỐI ĐONG ĐẦY YÊU THƯƠNG CỦA MẸ
Thực phẩm Bếp Việt
CN 02/10/2022
Mẹ tôi là một người phụ nữ khéo tay. Gần như các món ăn từ chay đến mặn, từ mặn qua ngọt... mẹ đều có thể chế biến một cách tinh tế để vừa miệng cho mọi thành viên trong gia đình. Nhưng có một món ăn nó mang cả hương vị của đồng quê, của sự tỉ mẩn và của tình yêu thương vô bờ bến của mẹ. Lắm lúc thòm thèm, chỉ muốn chạy ùa về bên mẹ, nõng nịu để mẹ làm cho ăn món gỏi bắp chuối thật ngon.
Bắp chuối khi còn ở trên cây
Với những người sành ăn thì để làm món này phải dùng đến bắp chuối hột, khi vừa mới trổ được một hai nải. Bắp còn dính phấn, vỗ nghe tiếng bịch. Dùng bắp chuối cau, chuối lá, chuối sứ, chuối mốc...sẽ không ngon bằng. Vì theo mẹ, bắp chuối hột bản thân nó đã trắng nõn, giòn và khi nêm vị không thấy chát. Về mặt đông y, chuối hột cũng là một bài thuốc dân gian để trị nhiều bệnh.
Bắp chuối hột nhiều công dụng như thế nên nhiều nhà chỉ chăm chăm vào việc bán chát, chứ ít khi cho người khác vào hái. Nhưng với mẹ thì ngược lại, hàng xóm hay người thân ở xa về chơi, mẹ hay dành tặng mấy bắp chuối hột xem như là món quà quê có sẵn, không cầu kì, không hiếm có nhưng lại ấm áp tấm chân tình. Tiền có thể tiêu pha cũng hết, nhưng cái tình cái nghĩa thì còn mãi.
Còn lũ trẻ con chúng tôi thì không hề để tâm suy nghĩ của người lớn, chẳng mấy quan tâm đến những công dụng thần kỳ của bắp chuối hột với người mới bệnh hay hay phụ nữ sau sinh, mà chỉ nhăm nhe muốn nếm ngay món gỏi nhưng phải do chính tay mẹ làm thì mới chịu cơ.
Trước tiên, bắp chuối vừa cắt xuống xong, để chảy nhựa cho bằng hết, rồi mẹ gỡ hết các bẹ già bên ngoài, chỉ lấy mỗi phần nõn trắng bên trong. Tay nhịp nhàng dùng dao thái đến đâu thì bỏ ngay vào thau nước đã pha sẵn nửa muỗng muối và nước cốt chanh tươi để sợi bắp chuối không bị thâm đen và giữ được độ giòn. Mẹ ngâm gần một tiếng rồi mới vớt ra, xả lại nhiều lần với nước cho sạch và để ráo hẳn.
Trong lúc đó, mẹ tranh thủ một bên bếp bắt một nồi nước để luộc thịt ba chỉ đã làm sạch trước đó. Thịt chín vừa tới, vớt ra để thật nguội rồi mới xắt khúc vừa ăn. Thịt và mỡ vẫn còn dính vào nhau. Bên bếp còn lại thì bắt cái chảo, đổ đậu phộng lên rang, đảo qua đảo lại cho nhanh tay. Khi nào thấy vỏ đậu phộng đổi màu thì nhắc xuống để sàng vỏ rồi giã sơ cho hạt đậu bể ra chứ không nát mịn như khi làm muối mè.
Khi tất cả mọi nguyên liệu đã chuẩn bị đủ thì mẹ bắt đầu trộn gỏi trong một cái thau to. Sợi bắp chuối bóp cho ráo nước lần nữa rồi mới đổ vào, tiếp theo cho rau thơm thái nhỏ, vắt 2-3 miếng chanh để lấy vị chua tự nhiên. Sau đó mới bỏ thịt ba chỉ vào trộn cho khỏi nát và cuối cùng là đậu phộng rải tràn khi bày ra dĩa.
Món gỏi bắp chuối hột thơm ngon
Dù mâm cơm ngày ấy thật giản đơn, chỉ với canh rau tập tàng, cá liệt kho tiêu, chén mắm tỏi ớt đặc sánh và không thể thiếu là gỏi bắp chuối hột. Nhưng với lũ trẻ con như thế là đã quá ngon rồi! Gắp một miếng gỏi có miếng thịt ba chỉ bóng mỡ, thêm cọng rau thơm và gắp vài hột đậu phộng nằm thật gọn trên một miếng bánh tráng nướng thì khó có ngôn từ nào mà diễn tả hết độ ngon. Ăn một miếng chua bõ cơn thèm, mà phải thêm vài ba gắp nữa mới chịu cơ!
Các vị chua dịu, cay xé, đắng nhẹ, giòn rụm, ngọt thanh, béo bùi... của các nguyên liệu cứ hòa quyện một cách vương vít với nhau. Tưởng không hợp mà hợp không tưởng! Chúng cứ thu gọn và hòa hợp trong từng miếng gắp lia lịa của lũ trẻ. Trưa nắng gắt, nhưng bữa ăn đơn giản ở ngoài hiên, lại cứ vang lên tiếng khen lấy khen để món gỏi ngon tuyệt của mẹ và cả tiếng cười vô tư, thích thú của những đứa trẻ khi được cho ăn một món ngon.
Tuổi thơ êm đềm của chúng tôi chỉ có thế. Vui vẻ, hồn nhiên và được ăn ngon. Dù món ăn đó chẳng hề cao sang, mắc mỏ mà chỉ đơn giản là được chế biến từ những nguyên liệu có sẵn trong vườn nhà và qua đôi tay đong đầy tình yêu thương của mẹ. Dẫu mai này anh em chúng tôi đã lớn, vẫn chạy về nhà, ùa vào lòng mẹ để được mẹ làm món gỏi bắp chuối cho ăn. Nhưng quan trọng hơn cả là còn có cơ hội bên mẹ, được nhìn ngắm mẹ làm và chỉ mong nhỏ lại như ngày còn thơ bé.
Đức Bảo