LỜI NHẮN ĐẾN TỪ CƠN MƯA

Thực phẩm Bếp Việt
Th 6 30/09/2022

Tôi cựa mình tỉnh giấc giữa bầu không khí trong trẻo và mát mẻ. Trời âm u và nhiều mây, thoáng một chốc tôi chẳng biết rõ bây giờ trời đang dần hửng sáng hay trời đang tối dần đi. Tôi vừa trở lại một quãng thời gian đẹp ở quá khứ, thứ mà đôi lúc trong cuộc sống bộn bề hối hả ngày nay, tôi đã đánh rơi mất. Trong giấc mơ, tôi của lúc ấy còn là một đứa bé, khung cảnh xung quanh đượm một màu trắng xóa, lờ mờ như một chiếc áo choàng ảo ảnh.

Tôi đang ngồi trước hiên nhà, ngóng chờ một người quay trở về. Tôi hết chơi nào là bộ xếp hình, nào là gấp biết bao nhiêu con hạc giấy, nhưng mãi mà chưa có ai trở về. Trong màn mưa ấy, tôi khóc lên thật to. Đôi lúc, tôi ước mình mãi chỉ là một đứa trẻ bởi khi khóc thì tôi sẽ có được những thứ mình muốn. Và bà tôi đã quay trở về nhà.

Tầm chỉ mươi mười năm về trước, lúc đó bà tôi vẫn là một người khỏe mạnh. Dù ở độ tuổi “xưa nay hiếm” theo cách nói bây giờ, nhưng một tay bà làm từ việc đồng áng, làm nương, nuôi một đàn gà và cũng chăm chút cho cả ba anh chị em nhà chúng tôi. Bà có một mảnh vườn nhỏ, nơi bà trồng một ít rau xanh, những thứ cây nhỏ nhặt, rung rinh trước những cơn mưa cuối đông. Bằng một cách thần kỳ nào đó, những cánh lá bé nhỏ nom yếu ớt đó đã nuôi lớn chúng tôi qua từng ngày. Những ngày bé thơ, chắc lâu lắm rồi nhỉ? Tôi vẫn còn nhớ mình là một đứa trẻ hồn nhiên chạy đuổi theo những con bướm vàng trong khi bà tôi vẫn còn cặm cụi với mảnh vườn của bà.

Bà tôi thường đi làm hay đi chợ và trở về nhà với con cá, con tôm con tép. Bà tôi thường ra sau vườn, mang theo một cái rổ nhỏ đựng mấy chùm rau vài quả khế chua. Bà tôi thường nấu cho chúng tôi những bữa canh cá thơm phức, một hương vị mà có lẽ tôi sẽ khó nào mà có được bây giờ nữa, giữa những ngày trời trắng xóa màu mưa. Cũng những ngày mưa đó, tôi ngồi bên bà ngồi nhóm bếp, khói trắng bay lên mùi hăng hắc. Mấy đứa trẻ dính đầy lọ nghẹ như tôi luôn thích nghe những câu chuyện bà kể. Nhưng mấy đứa trẻ nghịch ngợm như tôi đã từng chẳng thiết gì những lời bà mắng, dù cho bây giờ có thèm lắm những tiếng thân yêu kia cũng chẳng còn nữa.

Bà luôn dành phần ngon nhất cho tôi. Tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ vô lo vô nghĩ ở chặng thời gian đó mà thôi. Mỗi lần đến Tết, tôi lại háo hức để được xúng xính đồ mới, dẫu biết rằng bà cũng chẳng có gì nhiều cho anh chị em chúng tôi. Dẫu những ngày đó còn nghèo, tôi vẫn thiết tha được một lần trở lại, khi tôi ngồi đó nhìn bà gói từng chiếc bánh chưng. Ngoài cửa sổ kia, tôi thấy bầu trời vẫn âm u, trắng xóa mây vào những ngày gần kề Tết. Tôi ngủ thiếp đi bên cạnh, khi bà đang ngồi cần mẫn với từng chiếc lạt. Tôi còn nhớ cảm giác háo hức mi khi thức dậy vào buổi sáng ngày 30 Tết. Sau một đêm “canh chừng” cẩn thận thì cuối cùng bà cũng lấy cho tôi chiếc bánh chưng nhỏ, nóng hổi làm dành riêng cho tôi.

Tết cứ dần trôi qua, mỗi năm cứ dần tiến về phía trước một cách vô tình. Hồi còn nhỏ tôi đâu biết được rằng cứ mỗi lúc tôi lớn lên thì bà cũng già đi. Bà dần tiến về phía đó, rồi biến mất như làn khói trắng nhóm lửa mỗi ngày mưa, bữa canh chiều thơm mùi rau nghi ngút, chiếc bánh mềm dẻo nóng hổi mỗi dịp giao thừa. Chẳng còn đâu nữa những hương vị dưới bàn tay của bà nấu. Mùi hương quen thuộc ấy, làm sao tôi có lại một lần nữa? Kí ức như một chiếc hộp quý giá và những mùi hương gợi nhớ tôi về những gì thân thương và đẹp đẽ nhất.

Tôi nằm đó như mường tượng lại những thước phim bình dị của đời tôi giữa những ngày hối hả vì công việc. Những mảnh ký ức đó như nhắc nhớ tôi rằng luôn có một người yêu thương mình trong cuộc sống này và yêu thương là món quà quý giá nhất. Một khoảnh khắc nào đó tôi chợt nhận ra đời người có những thứ không hề có lại lần hai, có những cơ hội chỉ đến một lần và tôi biết mình cần phải trân quý những điều quý giá trong cuộc sống này. Trời dần tối đi, tôi đã có câu trả lời và tôi quyết định nấu một bữa canh chua thật ngon dành cho vợ và con gái tôi, những người phụ nữ mà tôi yêu thương nhất./.

Trần Quang Huy