NHỚ MÃI HƯƠNG THƠM TỪ BẾP MẸ

Thực phẩm Bếp Việt
Th 3 04/10/2022

Đĩa rau xào vẫn còn giữ nguyên màu xanh tươi mới nay được khoác thêm một lớp mỡ bóng loáng nhìn thật ngon mắt, bát canh lâu lâu lại thở ra hơi nóng mỏng manh như mời gọi con người đến thưởng thức, chan một ít canh vào bát cơm trắng tinh tươm vẫn còn nóng hôi hổi rồi húp lấy húp để và cuối cùng cắn miếng cà pháo nhai rồm rộp đích thị là bữa cơm trong mơ của những ngày đói khổ.

Thời gian cứ như một cơn gió cứ vô tình trôi đi không đợi chờ ai, ngoái đầu nhìn lại thì ra đã  mấy mùa trăng trôi qua trong cuộc đời. Từ một cô bé đang tuổi mộng mơ, khép nép dưới vòng tay của mẹ nay đã trở thành một cánh chim khác chở che cho những thiên thần nhỏ của riêng mình. Nhưng dẫu thế mỗi lần trở về căn nhà quen thuộc của tuổi thơ sau bao ngày vất vả mưa sinh nó vẫn thấy mình như bé lại, vẫn là con bé hồn nhiên, mơ mộng, vẫn chí chóe với đám chị em dù giờ ai cũng đã tay bồng tay bế, vẫn tranh nhau hít hà hương thơm đậm đà, ấp áp tình thương từ cái góc bếp nho nhỏ  của mẹ trước mỗi bữa cơm.

Cái thời đó còn chưa có ti vi, điện thoại cứ trời vừa sáng làm vội củ khoai hay vắt khoai xéo là mấy đứa con nít choai choai lại hò nhau chạy đi chơi bất kể mùa đông hay mùa hè. Mùa hè thì cơ man nào là trò chơi, trốn tìm trên những cánh đồng chỉ còn trơ lại gốc rạ, thả diều chạy băng băng từ ruộng này qua ruộc khác còn mùa đông lại rủ nhau đi trộm ngô, khoai bắc thêm cái bếp nướng giữa đồng không mông quạnh rồi cùng nhau thưởng thức mỹ vị nhân gian say đắm lòng  người.

Bữa ăn bình dị của một gia đình

Vui là vậy nhưng chị em nó đến hẹn lại lên cứ mỗi lần đến giờ mẹ đang chuẩn bị nấu bữa ăn trưa, chiều là lại thi  nhau chạy ù về nhà chỉ để được chìm đắm trong mùi thơm phưng phức của gian bếp nhỏ nằm lọt thỏm trong căn nhà đã trải qua bao thăng trầm của thời gian. Bếp được nhen lên, nồi bắc xuống thêm một chút mỡ đông vào rồi thả hành đã băm nhỏ trước đó chẳng mấy chốc mà mùi thơm bay ra loanh quanh luồn từ khe này qua ngách nọ rồi bất chợt xông thẳng vào lỗ mũi của mấy đứa nhóc đang mở to mắt nhìn liến láo vào trong chiếc nồi vẫn còn bốc nghi ngút khói khiến đứa nào đứa nấy hít hà mãi không thôi.

Hồi đó cả đất nước đang còn nghèo, nhà nhà người người ai cũng phải tằn tiện trong từng bữa ăn. Trên mâm cơm thường nhật chỉ là đĩa rau xào được hái ngoài vườn, dăm ba miếng cà muối, một nồi nước canh từ nước luộc rau cho thêm tý chanh, lâu lâu mới có vài ba con cá do ông đi đánh lưới về được họ chia cho, còn thịt thì phải những hôm nào có dịp gì đặc biệt mới xuất hiện trên mâm cơm. Nhưng mà không hiểu sao qua bàn tay khéo léo của mẹ nó lại trở thành bữa ăn được mong chờ nhất: đĩa rau xào vẫn còn giữ nguyên màu xanh tươi mới nay được khoác thêm một lớp mỡ bóng loáng nhìn thật ngon mắt, bát canh lâu lâu lại thở ra hơi nóng mỏng manh như mời gọi con người đến thưởng thức, chan một ít canh vào bát cơm trắng tinh tươm vẫn còn nóng hôi hổi rồi húp lấy húp để và cuối cùng cắn miếng cà pháo nhai rồm rộp đích thị là bữa cơm trong mơ của những ngày đói khổ. Giờ đây lâu lâu Nó lại hay đổi món cho bọn nhỏ thay vì thịt cá là đĩa rau luộc, ít đậu chiên cùng bát canh tập tàng thấy bọn chúng cũng hào hứng lắm.[1]

Khi thu qua đông tới ngoài trời lạnh căm căm như cắt da khứa thịt nhưng trong cái góc bếp  thân thương đó vẫn ấm áp đến lạ kỳ. Trong tiếng tí tách của củi cháy tạo nên cùng làn khói mờ mờ ảo ảo và ánh lửa hồng lay lắt, mấy chị em  chen chúc quanh bếp bên trên là nồi cơm vẫn đang sôi sùng sục rồi mè nheo mẹ cho xin miếng nước cơm béo ngậy thơm ngon. Bao nhiêu năm đã trôi qua nhưng nó vẫn không thể quên được cảm giác  nước cơm trắng đục ngầu vừa cho vào miệng đã vội vã tản ra khắp cơ thể thấm vào từng thớ thịt chỉ còn sót lại  mùi thơm thanh mát của hạt ngọc trời hòa cùng vị nắng miền trung như đánh thức mọi giác quan của người vừa thưởng thức.  

Nếu có một cỗ máy thời gian nó chỉ xin được ngồi lên đó để quay về những năm tháng tuổi thơ vô tư lự, về với  góc bếp ngày xưa hít hà hương thơm ấm áp vị gia đình của mẹ để nạp lại năng lượng cho một hành trình mới gian nan hơn, thử thách hơn của cuộc sống.

Nguyễn Thị Trang