NHỚ MÓN BÁNH ĐÚC CỦA BÀ

Thực phẩm Bếp Việt
Th 2 19/09/2022

Hôm trước thấy người bạn ở quê đăng lên facebook nồi bánh đúc đang trên bếp tới công đoạn thành phẩm mà chợt nhớ bà nội quá chừng. Nhớ bà, tôi nhớ cả món bánh đúc bà nấu những ngày tôi còn là một cô bé con quẩn quanh ở ngôi trường làng, quẩn quanh bên bà.

Bà nội tôi luôn bận bịu với lúa ngô khoai sắn, chẳng mấy khi rảnh rỗi. Lúc nào ngày mới của bà cũng bắt đầu từ bốn giờ sáng và kết thúc một ngày khi gà đã lên chuồng. Bởi vậy, chỉ những ngày mưa bà mới ở nhà. Những ngày mưa, thường bà sẽ xay gạo để nấu bánh đúc đãi cả nhà. Chiếc cối đá thi thoảng lại được dịp quay tròn những vòng quay ì ì chầm chậm. Gạo ngâm được đổ lên cối, đổ thêm chút nước, bà nắm tay vào chiếc tay cầm chầm chậm quay. Nhìn đơn giản vậy thôi nhưng đó là cả sự kiên nhẫn, cần mẫn để bột được mềm, mịn. Bằng chứng là có lần chị em tôi muốn nhanh đã hợp sức lại giúp bà, kết quả là mặt cối bị kênh, bột ra có khi không được mịn, báo hại bà phải xay lại lần nữa.

Xay xong bột, bà sẽ cho vào một chút nước vôi trong, bà bảo để cho bánh được giòn. Nhưng nếu không khéo mà cho quá tay bánh sẽ bị hăng mùi vôi và có vị đăng đắng. Sau đó, bà nhóm bếp, bắc nồi bột lên rồi dùng đôi đũa cả quấy đều tay, vừa quấy vừa chỉnh lửa. Nếu lửa to quá, bà sẽ rút bớt củi ra, dụi vào phần tro nguội bên cạnh. Khi nấu, bà chăm chú lắm. Dường như tâm trí bà để cả vào nồi bánh đúc. Bà cứ đều tay khuấy nhẹ nhàng đến khi bột có màu trong, dần dẻo đặc lại thì bê đổ nhanh một nửa ra chiếc mẹt đã được lót sẵn lá chuối. Bà nhanh tay lấy đũa cả dàn đều ra mẹt khoảng 3 cm bột. Nửa còn lại, bà đưa lại lên bếp khuấy thêm chút nữa cho nóng rồi cho bát lạc đã nấu chín trước đó vào, lại khuấy đều tay. Tới khi cảm thấy dưới đáy nồi có một lớp đóng lại bà mới đổ ra chiếc mẹt khác đã được lót lá chuối chờ sẵn, nhanh tay bà cầm đũa cả dàn đều. Bà úp ngược nồi xuống nền đất để phần cháy dưới đáy nồi nhanh khô lại và dễ lấy. Đó là lí do chị em tôi luôn quanh quẩn bên bà chờ đợi. Bà thừa biết điều đó nên lần nào nấu bánh đúc cũng cố tình để lửa già một chút tạo phần cháy dưới đáy nồi để mấy đứa cháu được “mở hàng” trước cho đỡ cơn thèm thuồng.

Lần nào nấu bánh đúc bà cũng đều làm hai phần: bánh đúc trắng và bánh đúc lạc chiều theo sở thích riêng của tất cả thành viên trong nhà. Khi bánh nguội sẽ đông cứng lại, miếng bánh cắt ra vừa mềm, vừa giòn, cầm không dính tay là lúc có thể thưởng thức. Bánh đúc chấm với mắm tôm thì ngon hết xảy nhưng tôi còn thích món bánh đúc chan riêu của bà. Bánh đúc trắng bà sẽ cắt sợi to bằng ngón tay út để chan với riêu. Nồi riêu bà nấu chỉ có mớ cá đòng đong, tép riu mà ông đơm lờ ngay con mương trước nhà, thêm đôi quả chay hái trong vườn mà sao ngon đến lạ. Chao ôi, vị chua chua từ chay, vị thơm từ cá tép, vị bùi từ bánh đúc quyện cả lại với nhau mê hoặc vị giác khiến tôi nhiều khi ăn liền tù tì mấy bát. Đến khi no rồi mà miệng vẫn thòm thèm muốn ăn thêm nữa.

Bánh đúc bà nấu ngon, nước riêu cũng thơm ngọt đậm đà. Chẳng thế mà lần nào nấu bà cũng tính nấu dư dư chút mà lần nào cũng hết. Cả nhà ngồi quây quần một lúc là chỉ còn lại mẹt lá chuối không. Bà cười hiền từ, lại thắc thỏm cho lần sau: “xay nhiều gạo thêm chút nữa”.

Tôi lớn lên, đi học rồi lập nghiệp xa quê. Bà tôi cũng đã trở thành người thiên cổ. Có lúc nhớ bà, nhớ món bánh đúc ngày xưa, tôi cũng mày mò nấu nhưng chẳng bao giờ được đúng vị như bánh đúc bà nấu – có cả tình thương yêu mà bà gửi gắm, nâng niu. Một niềm rưng rưng dâng trào khôn tả.

“Bà ơi!”

Trương Thúy     

 Tags: