NHỚ MÙI CHÁO NHÁI NƠI CHÁI BẾP XƯA – Thực phẩm Bếp Việt

NHỚ MÙI CHÁO NHÁI NƠI CHÁI BẾP XƯA

Thực phẩm Bếp Việt
Th 2 19/09/2022

Trong ký ức tuổi thơ, có nhiều điều để nhớ nhưng có lẽ hình bóng người má tảo tần hôm sớm để chăm lo, quán xuyến cả gia đình luôn hiện hữu trên mọi nẻo đường đời. Đặc biệt, với tôi, các món ăn má nấu bao giờ cũng ngon và ấn tượng. Có lẽ vì má có “bí quyết” riêng của một người làm nội trợ. Trong số những món ăn đó, đáng nhớ và thích nhất vẫn là nồi cháo nhái bốc hơi nghi ngút và thịt nhái cuốn lá mãng cầu bắt than chín vàng thơm nơi căn bếp nhỏ.

Cuộc sống thời hiện đại đã có nhiều khởi sắc và biến chuyển hơn nhưng ký ức về những năm tháng tuổi thơ khốn khó ở làng vẫn hằn sâu trong ký ức. Để rồi trên hành trình xuôi ngược áo cơm, mỗi khi nói về quê nhà, nghĩ về mảnh đất chôn nhau lòng lại rưng rưng nhớ. Bao nhiêu hình ảnh quen thuộc lần lượt hiện về: cánh đồng làng, mái nhà xưa và đặc biệt là các món ăn má nấu đã trở thành những hoài niệm khắc khoải, day dứt khôn nguôi.

Má đang bên bếp để nấu nồi cháo nhái

Quê tôi ở là một huyện miền núi, giữa là đồng ruộng, bao quanh là núi rừng, sông suối. Làng cách xa trung tâm nên điều kiện đi lại khó khăn nhưng bù lại được khí hậu trong lành, mát mẻ. Việc câu cá, bẫy chim, hái quả cây rừng vẫn là thú vui của biết bao nhiêu đứa trẻ ở làng. Cuộc sống vẫn còn nhiều thiếu thốn nên những bữa ăn thơm lừng mùi thịt nhái mà má chế biến luôn là niềm háo hức trong suốt những năm tháng ấu thơ ở làng.

Thịt nhái, ếch đã được má làm sạch chuẩn bị để nấu những món ngon

Trong năm, có hai khoảng thời gian bắt được nhiều nhái nhất đó là vào tháng giêng, sau Tết độ mươi ngày và vào tháng bảy. Mỗi độ tháng bảy, khi có cơn mưa đầu thu đủ ướt, thấm những mảng đất đã cày phơi lên từ trước trên những thửa ruộng bỏ ải, thì cho bò bừa đất chuẩn bị gieo vụ mới. Những chú nhái đang trốn trong các mảng đất đó khi đường bừa đi ngang qua sẽ không còn nơi trú ẩn nữa thì sẽ nhảy ra ngoài. Lũ trẻ cứ theo sau đường bừa mà bắt chúng. Đến mùa nhái tháng giêng, khi những cơn mưa xuân trở nên nặng hạt, lúc trời bắt đầu chạng vạng tối là nhái sẽ lên bờ ruộng và các con đường, lối đi quanh đồng để đi tìm thức ăn. Vì thế, nếu có dự định đi bắt nhái thì sẽ dùng bữa cơm chiều sớm hơn mọi khi, sau đó gom bã mía khô buộc lại đốt lên làm đuốc để soi. Cái cảm giác canh từng chú nhái, rọi đuốc thẳng vào chúng, nhái đang chú ý ánh sáng từ ngọn đuốc thì dùng tay nhè nhẹ chụp từ đằng sau tới, chú nhái nằm trọn trong lòng bàn tay mát lạnh, thú vị vô cùng. Thi thoảng chúng tôi còn bắt được những chú ếch to, đang độ béo thịt…

Thịt nhái bằm cuốn lá mãng cầu chuẩn bị cời than lên để nướng

Mỗi lần anh em tôi có kế hoạch đi bắt nhái thì má đã chọn những lá mãng còn xanh non nhất rửa sạch. Loại lá này quấn thịt nhái nướng lên sẽ có mùi vị đặc trưng và ngon hơn mà không có loại lá nào thay thế được. Nhái bắt về được má hốt tro bếp ra để tuốt da cho sạch, rửa đi rửa lại thật kỹ bằng nước muối pha loãng má để ráo nước và bỏ trên tấm thớt gỗ me, dùng chiếc dao thật sắc để bằm. Trong khi bằm bỏ thêm hành, tiêu và các gia vị khác để cho thịt nhái được thơm. Bằm đến khi nào sờ tay vào cảm thấy dẻo, nhuyễn, không còn xương nữa mới thôi. Thịt nhái sau khi bằm nhỏ quấn lá mãng cầu nướng trên than củi. Phần còn lại má nấu mỡ sôi già, cho vào đảo thơm rồi nấu với cháo gạo dẻo. Trong gian bếp đầy muội khói bám trên những thân kèo thân cột, mùi nhái nướng quyện trong mùi lá mãng cầu thơm đằm trong gió sớm. Trên chiếc bếp ám đen lọ củi, nồi cháo nhái sôi bốc hơi nghi ngút…Tất cả hòa quyện vào nhau thành một mùi thơm đằm đặc biệt và tôi gọi đó là mùi vị của quê hương.

Cho đến tận bây giờ, cái cảm giác đi bắt nhái ngày nào vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức. Vì thế, mỗi khi có dịp trở về quê cũ hay trong những chuyến công tác xa nhà bất giác bắt gặp một hình ảnh nào đó trên đường, bao ký ức của những năm tháng xưa nơi quê nhà lại ùa về. Hình ảnh người má tảo tần với mái đầu nhuốm màu năm tháng trông ngóng từng đứa con ở phương xa trở về thăm vào mỗi dịp lễ, tết làm cho tim tôi nhói đau. Má mỗi ngày một yếu dần đi vì tuổi già, bệnh tật nhưng mỗi khi con cháu trở về, lúc nào cũng muốn tự tay nấu nhưng món ăn thảo thơm xưa cũ. Trong các bữa ăn của ngày họp mặt, giờ đây dù đã đủ đầy nhưng chúng tôi vẫn không thể nào quên những sớm mai tháng bảy hay những sớm tháng giêng mờ hơi sương lạnh, được quây quần bên gian bếp nhỏ, bên nồi cháo nhái đồng bốc khói, được háo hức đón từ tay má cuốn thịt nhái nướng lá mãng cầu thơm ngon đậm vị… Làn hương ấy bay mãi vào trong tâm thức, mùi bát cháo nhái, mùi thịt nướng cùng bếp lửa hồng thi thoảng nổ bung tàn đỏ như còn thoang thoảng đâu đây. Và chính những tảo tần của má, chính hương vị món ăn bình dị, dân dã nhưng đậm hương sắc quê nhà ấy đã luôn nhắc nhớ những đứa con xa mãi nhớ về quê hương, nguồn cội!

Nguyễn Văn Hòa