THƯƠNG HOÀI HŨ MẮM TÉP CỦA MẸ!

Thực phẩm Bếp Việt
Th 3 04/10/2022

Giữa nhịp sống đủ đầy tiện nghi, đôi lúc lòng quay quắt thèm hương vị chân phương của những năm tháng bếp than đỏ lửa, khói lơ đãng bay là đà chái bếp. Có lẽ giờ chỉ còn trong tâm thức của những người hay hoài niệm. Nhớ mãi dáng cha gầy lụi cụi nhóm bếp để con gái nấu nồi cơm canh đạm bạc, nhớ bóng lưng mẹ hắt trên vách nhà lem nhem bồ hóng, lủng lẳng gióng tre, tảo tần làm món dưa cà cho bữa cơm nhà thêm đủ đầy, thịnh soạn. Bữa cơm ngày mưa gió nào có gì cao sang, chỉ là cơm trắng ăn kèm dưa cà cùng chén mắm tép vậy mà ngon đến lạ lùng. Để rồi những tháng ngày đằng đẵng phía sau, giữa bao món ngon vật lạ, vẫn cứ thèm thuồng dư vị ngọt lành, ấm nồng hương vị đồng quê của chén mắm tép trong bữa cơm ngày hôm ấy.

Đã xa rồi cái thuở đi cất vó tôm, vó tép nhưng mỗi khi trời đổ cơn mưa hay se se gió lạnh lòng tôi lại rộn lên những cảm xúc khó tả, thấy thương nhớ món mắm tép mẹ làm. Ký ức một thời rong ruổi bắt tép bên những con mương đầu làng lại lũ lượt ùa về chất đầy trái tim tôi.

          Vào những buổi sáng đầu thu trời se se gió lạnh, chị em tôi thường dậy thật sớm, chuẩn bị thính gạo, rổ rá, để đi săn tép. Mồi để nhử tép là cám được rang chín, để thính dậy mùi thơm hơn, tôi thường ra ngoài bờ dậu hái thêm một ít lá cúc tần đem rang với cám. Xong đâu đấy, mấy chị em tôi háo hức đứa vác gậy, đứa mang vó, đứa cầm rổ rá hành quân ra con mương đầu làng cất vó. Những cái vó nhỏ xíu, với tấm vải màn cũ được cha buộc khéo léo vào khung bằng thanh tre, rắc chút thính gạo vào giữa vó rồi nhanh gọn thả xuống con mương. Đơn giản vậy thôi nhưng lại là dụng cụ hữu hiệu để bắt tôm, bắt tép. Thả hết một lượt vó, ngồi chơi chừng mươi phút, đợi cho lũ tôm tép bén mồi thơm ngon rủ nhau vào ăn thỏa thích thì chị em tôi kéo vó lên. Trên mặt vó còn đọng những giọt nước tinh khôi, trong trẻo là những con tép đồng béo ú, bụng ứ đầy trứng thi nhau nhảy tanh tách, trông thật vui mắt.

Khi ông mặt trời chèo qua rặng núi, nắng mai phủ khắp cánh đồng rồi hắt xuống lòng mương một màu óng ánh cũng là lúc hủ thính gạo vừa hết, cái rá tre ban sáng xâm xấp đầy những chú tép đồng lẫn những con cá đòng đong cùng những con cua đồng với chiếc càng đầy oai vệ. Chị em tôi thu vén đồ nghề, lòng tràn ngập niềm vui, kiêu hãnh mang chiến lợi phẩm về khoe cha mẹ.

          Từ mớ tép mà chúng tôi cất được, mẹ cẩn thận nhặt từng cọng rong, hạt sạn, con cá lẫn vào. Mấy con cua mẹ thả vào cái xô nhựa, đợi gom thêm rồi nấu nồi canh rau tập tàng, chút cá ít ỏi mẹ đãi đàn vịt con đang độ phổng phao. Còn lũ tép tươi béo tròn mẹ lựa riêng một phần để làm thức ăn cho bữa cơm trưa, phần còn lại mẹ dùng ủ mắm, đợi khi gió chướng ùa về, mang ra ăn cùng cơm trắng thì ấm bụng vô cùng.

Món tép rang của mẹ đơn giản lắm, không cầu kì chút nào, nhìn ai cũng có thể làm được. Tép sau khi được mẹ rửa sạch, để ráo thì mẹ nhóm lửa, bắc chảo lên đun cho nóng rồi bỏ chút mỡ lợn phi thơm cùng hành tím, sau đó mẹ thả tép vào. Đợi tép săn, rút nước, mẹ đảo đều tay và bắt đầu nêm gia vị, chút muối hạt, mì chính, cùng đường trắng. Mẹ để lửa liu riu cho gia vị thấm đều, tép chuyển từ màu hồng gạch sang màu đỏ au, vàng ruộm, mẹ đảo đều tay một lần nữa rồi tắt bếp, sau cùng mẹ rắc lá chanh xắt sợi cùng chút ớt hiểm thái nhỏ lên trên chảo tép. Chỉ vậy thôi mà thơm lừng cả căn bếp nhỏ, mùi thơm vấn vít theo gió ra tận cổng ngõ, xộc vào huyết quản làm lũ con cồn cào cơn đói. Bữa cơm tép rang lá chanh ngày hôm ấy hết veo và ngon đến nao lòng. Và rồi, dư âm của món ăn cứ vương vấn mãi trong kí ức tuổi thơ tôi.

Nói về món mắm tép, cách làm thì nhiều lắm. Nhưng để ngon và chuẩn vị thì không phải ai cũng làm được. Mẹ nói, mắm kị nhất là nước. Nên khi ủ mắm phải thật sự cẩn thận và kĩ càng, chỉ cần vương một chút nước vào thì mắm sẽ trở mùi ăn mất ngon, thậm chí phải bỏ đi.

Tép được mẹ chọn làm mắm thường là những con tép riu tươi. Dưới làn nước trong mát, mẹ sẽ đãi đi đãi lại cho đến khi tép trắng hồng, trong suốt, rồi để cho thật ráo. Xong xuôi mẹ cho vào cối đá giã nhuyễn cho đến khi quánh dẻo thì đạt.

Để mắm thơm ngon và lên màu đẹp mắt mẹ trộn thêm thính gạo. Thính làm mắm phải là gạo ngon, hạt đều rang vàng ruộm, giã ra thơm ngát. Khi rang thính phải đảo đều tay, lửa không quá to mà cũng không quá nhỏ. Khi những hạt gạo trong chảo vàng ruộm, nở đều như những bông hoa cau thì đem ra giã thành thính.

Xong đâu đấy, mẹ chuẩn bị một cái hũ sành, cứ một lớp tép lại bỏ vào một lớp thính. Đến hết thì đem nút chặt bằng lá chuối khô để nơi khô ráo, ngày nắng thì mang ra phơi cho mắm nhanh chín ngấu và dậy mùi thơm.

Bọn trẻ con chúng tôi, suốt cả tháng trời cứ háo hức chờ lúc mẹ mở nút lá chuối. Khi ấy, ba gian nhà sẽ sực nức mùi vị ngọt ngào. Lúc này, tép và thính gạo đã ngấu, hòa quyện vào nhau. Mắm có màu đỏ hồng tươi, đặc sánh, vị ngọt đậm đà, khó tả.

Bữa cơm mùa rét, chỉ cần mẹ xới lưng cơm còn nghi ngút khói rồi rưới đều từng thìa mắm tươi hồng, đặc sánh thì ăn hả dạ vô cùng. Hôm nào sang hơn, mẹ thết đãi lũ con bằng món thịt chưng mắm tép. Chỉ cần một ít thịt ba chỉ thái nhỏ, thêm chút ớt hiểm, vài ba nhánh xả băm nhỏ chưng cùng mắm tép thì không thứ cao lương mỹ vị nào sánh bằng.

          Đi qua những mùa đông, nuôi dưỡng tuổi thơ tôi là những bát cơm mắm tép của mẹ. Nhiều lúc thoảng nghe những cơn gió lạnh tràn về lại thấy nhớ quá dáng mẹ bên bếp lửa toả khói rơm, nồng thơm mùi đồng ruộng. Của ngon vật lạ rồi cũng quên mau nhưng món mắm tép thì vẫn cứ đau đáu trong khắc khoải tiềm thức, níu tâm hồn với nguồn cội nguyên sơ. Vị của nỗi nhớ thành ra cũng đậm đà như chén mắm tép thêm vài lát ớt cay xè đầu lưỡi, cũng mặn mòi tựa nồi cá bống kho tiêu, cũng quyện hòa chua ngọt như bát canh tép đồng nấu khế ngày hè…

Ai cũng có những khao khát vẫy vùng như cánh diều giấy vươn mình lên xa thẳm. Nhưng cũng đừng để cánh diều ấy đứt dây mà quên mất lối về nguồn cội, quên mất bóng hình mẹ vò võ bên mâm cơm trống vắng. Được về nhà ăn một bữa cơm đạm bạc mẹ nấu cũng đủ khiến lòng mình xoa dịu những chông chênh mà nương níu trong vành nôi xứ sở. Không dưng, mọi bức bối, hẫng hụt nơi phố xá gói trọn trong hai chữ yên bình. "Mẹ ơi! Thế giới mênh mông, mênh mông không bằng có mẹ. Mẹ ơi! Thế giới bao la, bao la không bằng nhà mình"...

Nguyễn Thị Minh