VỊ QUÊ

Thực phẩm Bếp Việt
Th 2 19/09/2022

– “Mua chè đi cô, chè mù u ngon lắm”

Giọng của người phụ nữ luống tuổi vang lên khi tôi đang lúi húi chuẩn bị lấy xe về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi. Hiện lên trong tầm mắt tôi là gương mặt người phụ nữ đen đúa, khắc khổ, làn da nhăn nheo lấm tấm đồi mồi, tấm lưng đã còng xuống vì phải gánh gánh chè nặng mưu sinh. Hình ảnh ấy làm tôi nhớ đến nội tôi quá! Ngày bé, nhà tôi thì nghèo, giữa cái nắng cháy da cháy thịt, nội phải bươn chải từng bước chân với gánh chè mù u đi khắp cái xóm nghèo mong bán đắt một chút để có được miếng cơm, miếng cháo cho hai bà cháu sống qua ngày.

– “Ai mua chè hong… Ai mua chè hong… Chè mù u mới ra lò đây…”

Từng tiếng rao của nội tôi vang vọng khắp cái xóm nhỏ nghe mà não lòng. Từ lúc còn nhỏ xíu tôi đã sống với bà, đôi khi tôi cũng thắc mắc sao tôi không có ba, có mẹ đầy đủ như mấy đứa trẻ con ở xóm. Khi ấy, bà chỉ cười buồn rồi bảo: “Tại vì nội lụm mày ở gốc mít á”. Lúc đó tôi cũng tưởng thật, tôi nghĩ mình được cây mít đẻ ra rồi ngồi khóc sướt mướt, nội dỗ mãi mới chịu nín. Lớn lên tôi mới biết ba tôi bị tai nạn giao thông qua đời, mẹ tôi vì không chịu được cảnh nghèo đói nên dứt áo ra đi. Từ đó, tôi sống với bà. Một người bà vừa làm cha, vừa làm mẹ.

Tôi mua giùm người phụ nữ hai ly chè mù u rồi phóng xe chạy về giữa lòng thành phố xô bồ, nhộn nhịp. Đâu đó còn vọng lại tiếng rao bán của những gánh hàng rong. Khóe mắt tôi ươn ướt, sóng mũi cay cay không biết vì bị gió quật vào mặt hay vì cái gì nữa. Nhưng tôi đột nhiên thấy nhớ nội tôi quá chừng. Tôi muốn chạy về quê thăm nội, muốn thấy bóng dáng giỏi giắn suốt ngày cứ cặm cụi sau nhà và những câu trách yêu đứa cháu lớn xác :

– “Mày hong lấy chồng sao tao yên tâm đi gặp ba mày”

Những lúc ấy tôi lại cười hì hì:

–  “Chồng con gì nội ơi, con còn nhỏ mà”

– “Nhỏ đâu mà nhỏ, lúc nội bằng tuổi mày, ba mày đi mua nước tương được rồi đó chứ”

Những lúc ấy, tôi chỉ biết cười trừ và tôi nghĩ nếu như tôi không lấy chồng thì nội có thể sống hoài với tôi chăng. Được như thế thì tốt biết bao.

– “Ăn chè hong, sẵn có trái dừa nội nấu cho mày nồi chè”

– “Dạ ăn, để con nhồi bột như hồi xưa nhen”

– “Ừ, dô đây nè con.”

Quả thật, đối với bao người gánh chè của nội tôi đơn sơ, nhỏ bé nhưng đối với tôi nó to lớn và thiêng liêng hơn cả. Bởi vì chính gánh chè ấy đã nuôi nấng tôi nên người như ngày hôm nay. Sự trưởng thành của tôi cũng được đánh đổi bằng thời gian của nội. Tôi ngày càng trưởng thành thì nội ngày một già yếu, tóc nội bạc trắng xóa, mắt đã nhòe đi vì năm tháng. Nhưng món chè mù u năm nào hương vị vẫn thế, vẫn ấm áp, ngọt ngào, thơm ngon và cũng chính là món mà cả cuộc đời tôi không bao giờ quên được.

Tôi vừa nhấm nháp hai ly chè vừa nhớ đến nội tôi, nhớ tấm thân gầy nhưng khỏe khoắn. Nhớ đến nồi chè mù u nóng hôi hổi trên bếp lò, khói bếp lượn lờ, vờn quanh mỗi khi tôi đi học về lúc còn tấm bé. Cũng là chè mù u, cũng là vị ngọt xớt trên đầu lưỡi nhưng tôi lại cảm thấy đó không phải là hương vị như trong kí ức. Đương nhiên là không phải rồi! Nó cũng chẳng phải là nồi chè nội tôi nấu vì tình thương dành cho đứa cháu gái nhỏ, nó cũng không có tình yêu thương vô bờ của nội tôi chảy trong đấy. Hay đó là cái vị của quê nhà khiến người ta thổn thức không thôi mỗi khi nhớ lại.

Tôi cũng nhiều lần ngỏ ý muốn nội lên Sài Gòn ở cùng với tôi nhưng nội lại không chịu vì còn thương quê nhiều quá:

– Cả đời tao gắn bó với mảnh vườn, với nhà này quen rồi! Tao đi rồi ai lo nhang khói, mồ mã cho ông nội, cho ba mày.”

Nội nói vậy nên tôi cũng đành thôi, cứ hễ có dịp rảnh rỗi tôi lại chạy về với nội, mè nheo đòi nội nấu món chè tuổi thơ. Năm nay nội tôi đã ngoài 70, không biết tôi còn được nếm cái vị của quê nhà, chén chè mù u béo ngậy, thơm ngọt này bao nhiêu lần nữa…

“Nội già như chuối chín cây, gió lay nội rụng con phải mồ côi…”

Trần Thị Ngọc Vân